Nhân vật

10 gương mặt doanh nhân Việt tuổi Dậu tiêu biểu

(VNF) – Đầu xuân Đinh Dậu, cùng VietnamFinance điểm tên 10 doanh nhân Việt Nam tuổi Dậu tiêu biểu.

10 gương mặt doanh nhân Việt tuổi Dậu tiêu biểu

Ông Lê Viết Lam (bên trái), bà Dương Thị Mai Hoa (giữa) và ông Nghiêm Xuân Thành (bên phải) là 3 trong số 10 gương mặt doanh nhân Việt tuổi Dậu tiêu biểu

1. Ông Lê Viết Lam – Chủ tịch HĐQT Sun Group

Ông Lê Viết Lam sinh năm 1969 (Kỷ Dậu), hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) – một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam.

Ông Lê Viết Lam trước đây là du học sinh tại Moskva, Nga theo chương trình đào tạo của Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1992, ông Lê Viết Lam quyết định ở lại Moskva làm kinh tế, tuy nhiên, do môi trường không phù hợp nên ông Lam đã cùng người bạn quen biết là ông Phạm Nhật Vượng về Kharkov, Ukraine lập chợ Barabarosha dành cho bà con người Việt và người dân địa phương tới buôn bán.

Sau đó, ông Lê Viết Lam cùng ông Phạm Nhật Vượng thành lập công ty Technocom, chuyên chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina và từ đây, thành công tại Technocom đã trở thành đòn bẩy lớn cho ông Lê Viết Lam thành lập tập đoàn Sun Group.

Ông Lê Viết Lam

Ông Lê Viết Lam bên cạnh siêu thị Sun Mart

Ngay tại Ukraine, Sun Group đã xây dựng được nhiều công trình lớn tại thời điểm đó như Sun Mart - siêu thị siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt, Jungle - công viên nước trong nhà lớn nhất, Sun Light - khách sạn 4 sao đầu tiên của người Việt hay đặc biệt nhất phải kể đến công trình Làng Thời Đại – một trong những tòa nhà đẹp nhất Kharkov và là nơi sinh sống của 300 gia đình người Việt.

Tại Việt Nam, Sun Group được biết đến với những công trình đẳng cấp như Khu du lịch Bà Nà Hills tại Đà Nẵng, Công viên Châu Á - Asia Park Đà Nẵng, quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng Fansipan Legend, Novotel Danang Premier Han River, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao++ JW.Marriott Phu Quoc Emerald Bay…

2. Bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup

Bà Dương Thị Mai Hoa sinh năm 1969 (Kỷ Dậu), hiện đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup. Bà Mai Hoa tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, thuộc chương trình đào tạo Thạc sỹ quản lý liên kết giữa Khoa sau đại học trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường đại học tự do Bruxel, Vương quốc Bỉ. Đồng thời, bà cũng là thành viên của Hiệp Hội Kiểm toán viên công chứng Anh quốc (Association of Chartered Certified Accountants – ACCA) từ tháng 9/2010.

Trước khi về Vingroup làm đảm đương chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, bà Dương Thị Mai Hoa từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2007, bà Mai Hoa bắt đầu gia nhập ngân hàng VIB với chức vụ là Giám đốc tài chính. Đến năm 2011, bà Mai Hoa chính thức trở thành Tổng giám đốc của ngân hàng VIB.

Bà Dương Thị Mai Hoa

Bà Dương Thị Mai Hoa - Tổng giám đốc Vingroup

Sau chưa đầy 2 năm đảm đương chức vụ Tổng giám đốc VIB, bà Dương Thị Mai Hoa bất ngờ từ nhiệm với lý do cá nhân. Không lâu sau đó, bà Mai Hoa chuyển sang Maritime Bank đảm đương chức vụ Tổng giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp.

Trên cương vị là Tổng giám đốc, bà Dương Thị Mai Hoa vẫn đưa "con tàu khổng lồ" Vingroup đi đúng hướng. Vị thế doanh nghiệp bất động sản số 1 Việt Nam của Vingroup vẫn tiếp tục được duy trì, song song với đó là những bước đi táo bạo trong lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp công nghệ cao và cả lĩnh vực giáo dục, y tế.

3. Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sinh năm 1969 (Kỷ Dậu). Điều khá thú vị là xuất phát điểm của vị chủ tịch này không phải ở Vietcombank, mà là ở VietinBank.

Ông Nghiêm Xuân Thành gia nhập VietinBank từ tháng 10/1988, là một trong những lứa cán bộ đầu tiên của ngân hàng này. Sau gần 11 năm công tác, ông Thành được đảm đương chức vụ Phó Chánh văn phòng – Thư ký Tổng giám đốc VietinBank. Tháng 1/2012, ông trở thành Phó Tổng giám đốc VietinBank.

Đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc VietinBank chưa đầy nửa năm, tháng 6/2012, ông Nghiêm Xuân Thành được điều chuyển và bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một năm sau, ông Thành chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank. Tiếp tục một năm sau đó, ông Nghiêm Xuân Thành chính thức kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT Vietcombank.

Ông Nghiêm Xuân Thành

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Ông Thành được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro và nợ xấu. Ông Thành từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Quản lý rủi ro và nợ có vấn đề từ tháng 11/2003 và là Trưởng phòng Quản lý nợ có vấn đề từ tháng 3/2006.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên và tiên phong trong việc xử lý thành công 100% nợ tại VAMC và nợ xấu hiện nay của Vietcombank chính thức minh bạch về một sổ với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Vietcombank vừa công bố một lần nữa đã xác thực thông tin này.

4. Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động

Ông Nguyễn Đức Tài sinh năm 1969 (Kỷ Dậu), được biết đến là người gây dựng CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) và hiện đang kiêm nhiệm cả chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của doanh nghiệp này.

TGDĐ có thể coi là hình mẫu thành công đáng chú ý nhất của Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ nhiều năm trở lại đây, cho thấy ông Nguyễn Đức Tài là nhà quản trị tài năng và có tầm nhìn hiếm có tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Tài

Ông Nguyễn Đức Tài, CEO đang điều hành và phát triển 3 chuỗi cửa hàng Thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh

Vài năm gần đây, ngoài việc tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi cửa hàng Thegioididong.com, ông Nguyễn Đức Tài đang đặt trọng tâm vào việc phát triển chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh và tham vọng chiếm lĩnh 30% thị phần điện máy Việt Nam vào năm 2017.

Tính đến hết tháng 11/2016, TGDĐ đã sở hữu 1.149 siêu thị, trong đó có 938 siêu thị Thegioididong.com và 211 siêu thị Điện Máy Xanh. Năm 2017, dự kiến TGDĐ dự kiến sẽ mở tới 450 – 600 siêu thị Điện Máy Xanh, trong khi chỉ mở mới khoảng 100 siêu thị Thegioididong.com. Ngoài ra, TGDĐ cũng đang từng bước đẩy mạnh phát triển chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, thị trường bán lẻ điện máy coi như đã được TGDĐ an bài, sẽ không còn ai ở phía sau đuổi theo được nữa; trong khi đó, Bách Hóa Xanh mới đang trong giai đoạn khởi nghiệp ở lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng.

5. Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 (Đinh Dậu), hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Dung thành lập PNJ từ năm 1998 và từng bước gây dựng PNJ trở thành một trong những doanh nghiệp vàng bạc đá quý hàng đầu Việt Nam, đưa PNJ trở thành thương hiệu trang sức lớn nhất Việt Nam.

Năm 2016, bà Cao Thị Ngọc Dung đã được Tạp chí Forrbes vinh danh trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen).

Bà Cao Thị Ngọc Dung

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch hãng trang sức số 1 Việt Nam PNJ

Tuy vậy, cuộc sống và sự nghiệp của bà Dung vẫn có những nốt trầm gắn liền với Ngân hàng Đông Á (DongABank). Ngày 13/08/2015, DongABank bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng.

Tháng 12/2016, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank, cũng là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công An (C46) tiến hành bắt giữ do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Cổ đông sáng lập của DongABank chính là PNJ, hiện cũng đã phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền đầu tư vào ngân hàng này.

6. Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Maritime Bank

Ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1969 (Kỷ Dậu), là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và hiện đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Trước khi về Việt Nam kinh doanh, ông Tuấn từng có thời gian dài học tập và làm ăn tại Nga. Ông Tuấn có bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Moskva và sau này bổ sung thêm bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh cao cấp do Đại học Griggs – Hoa Kỳ cấp.

Ông Trần Anh Tuấn

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Maritime Bank

Năm 2016 là một năm "đáng nhớ" đối với ông Trần Anh Tuấn khi vị doanh nhân này dính phải tin đồn về việc ông Đinh Trường Chinh, lãnh đạo Công ty Địa ốc Việt Hân bị bắt do câu kết với ông Trần Anh Tuấn rút ruột 30.000 tỷ từ Maritime Bank.

Ngay sau khi tin đồn lan truyền, ông Trần Anh Tuấn đã viết thư khẳng định những thông tin liên quan đến ông và Maritime Bank là hoàn toàn không chính xác. Chủ tịch Maritime Bank cũng cho hay, Công ty Việt Hân chỉ là một trong những khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ hiện tại là 300 tỷ đồng. Khoản vay được sử dụng cho việc phát triển dự án Goldmark City.

Vợ của Trần Anh Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của TNG Holdings – cổ đông lớn của Maritime Bank, đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội trong năm 2016 do cả nhà đăng ký quốc tịch Cộng hòa Malta – một quốc đảo ở châu Âu.

7. Ông Trần Văn Thịnh – Tổng giám đốc Petrolimex

Ông Trần Văn Thịnh sinh năm 1957 (Đinh Dậu), hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex). Ông Thịnh được bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc tại Đại hội đồng cổ đông đầu tiên diễn ra vào năm 2011 sau khi Petrolimex hoàn thành cổ phần hóa.

Theo xếp hạng của Vietnam Report, Petrolimex thuộc vào top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tổng tài sản của Petrolimex hiện ở mức trên 50.000 tỷ đồng, trong đó hơn 40% là hình thành từ vốn chủ sở hữu. Năm 2016, Petrolimex đạt mức lãi kỷ lục trên 6.200 tỷ đồng, hoàn thành 158% kế hoạch năm.

Ông Trần Văn Thịnh

Ông Trần Văn Thịnh - Tổng giám đốc Petrolimex

Mặc dù vậy, đối với cá nhân ông Trần Văn Thịnh, năm 2016 vừa qua không phải là một năm hoàn toàn thuận lợi khi ngày 01/09/2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt sai phạm về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex tại một số đơn vị thành viên, trong đó có nhiều sai phạm tiếp diễn cũng như phát sinh trong thời kỳ ông Trần Văn Thịnh làm Tổng giám đốc.

8. Ông Dương Mạnh Sơn – Tổng giám đốc PV GAS

Ông Dương Mạnh Sơn sinh năm 1969 (Kỷ Dậu), hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – một trong những doanh nghiệp trụ cột của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Sơn đã công tác trong ngành Dầu khí từ năm 1994, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty đăng kiểm Lloyd’s Register. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PV GAS, ông Dương Mạnh Sơn từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý quan trọng khác như: Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất, Trưởng ban Xây dựng, Phó Tổng Giám đốc thường trực PV GAS.

Ông Dương Mạnh Sơn

Ông Dương Mạnh Sơn - Tổng giám đốc PV GAS

Nhậm chức Tổng giám đốc PV GAS từ tháng 5/2015, giai đoạn mà ông Dương Mạnh Sơn điều hành rơi vào hoàn cảnh không được thuận lợi khi giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức thấp. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của PV GAS đã giảm tới 38,5% so với năm 2014. Tuy nhiên, sang năm 2016, đà giảm của PV GAS chỉ còn 18% so với một năm trước đó, cho thấy tình hình đang trên đà ổn định hơn.

9. Ông Lê Hồng Xanh – Tổng giám đốc, Phụ trách Ban điều hành Sabeco

Ông Lê Hồng Xanh sinh năm 1957 (Đinh Dậu), vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, Phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ tháng 8/2016 thay cho ông Võ Thanh Hà. Ông Xanh trước đây từng là người của Vinamilk khi đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Marketing của công ty sữa lớn nhất Việt Nam này, là một trong những cán bộ có công đưa thương hiệu sữa Vinamilk trở thành số 1 trên thị trường Việt Nam như hiện nay.

Ông Lê Hồng Xanh

Ông Lê Hồng Xanh - Tổng giám đốc Sabeco

Tuy vậy, kể từ 1/7/2017, ông Lê Hồng Xanh sẽ chính thức nghỉ hưu theo chế độ hưu trí thông thường.

Trong thời gian ngắn ngủi giữ cương vị Tổng giám đốc Sabeco, ông Lê Hồng Xanh đã kịp để lại dấu ấn lớn khi đưa Sabeco chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Hiện Sabeco đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau Vinamilk. Theo nguồn tin từ Wall Street Journal, Chính phủ sẽ bán ít nhất 40% vốn Nhà nước tại Sabeco từ tháng 4/2017, thời điểm ông Lê Hồng Xanh vẫn còn đương chức Tổng giám đốc Sabeco.

10. Bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công

Bà Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981 (Tân Dậu), hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công, đồng thời là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Sugar).

Bà Đặng Huỳnh Ức My

"Công chúa mía đường" Đặng Huỳnh Ức My

Bà My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc, từ lâu đã được mệnh danh là "công chúa mía đường". Được thừa kế khối tài sản lớn từ mẹ là "nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc, bà Đặng Huỳnh Ức My luôn góp mặt trong top những người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà Đặng Huỳnh Ức My được cho là người phụ trách việc niêm yết TTC Sugar trên sàn chứng khoán Singapore thông qua việc thâu tóm, hợp nhất một công ty ở quốc gia này, dự kiến nâng giá trị TTC Sugar sau hợp nhất lên mức 200 triệu USD.

Tin mới lên