Thị trường

10 năm mua đi bán lại, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tiếp tục lỡ hẹn?

(VNF) – Tập đoàn Siam Cement (SCG) cho biết Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ bắt đầu hoạt động thương mại từ giữa năm 2022, tuy nhiên "ngày về" thực sự của dự án này hiện vẫn đang bị đặt dấu chấm hỏi.

10 năm mua đi bán lại, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tiếp tục lỡ hẹn?

Theo dự kiến Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn sẽ vận hành sau 5 năm nữa (ảnh minh họa)

10 năm chuyển nhượng ngược xuôi

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (hay còn được gọi là Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam) là công trình trọng điểm dầu khí có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm.

Tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Trong đó, 398 ha được dùng cho xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước) và 66 ha đất xây dựng cảng.

Dự án được kì vọng sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại và ước tính sẽ góp 115 triệu USD/năm (tương đương 2.500 tỷ đồng/năm) cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động.

Được cấp phép vào tháng 7/2008, tổ hợp hóa dầu Long Sơn có tổng vốn đầu tư là 3,77 tỷ USD, sau tăng lên 4,5 tỷ USD và cuối cùng là 5,4 tỷ USD. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn – một liên danh giữa Tập đoàn SCG (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan thuộc SCG (18%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN (18%) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem (11%) - số liệu tại thời điểm 2008. 

10 năm mua đi bán lại, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tiếp tục lỡ hẹn? ảnh 1

Phối cảnh chi tiết quy hoạch 1/500 Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn

Dù được kì vọng lớn lao nhưng do ra đời giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn và giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm triển khai kéo dài.

Năm 2012, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chính thức "bỏ của chạy lấy người". Và PVN – dưới sự chấp thuận của Chính phủ - đã phải mua lại 11% cổ phần của Vinachem để nâng phần góp vốn lên 29% vào tháng 12/2014.

Sự ra đi của Vinachem, may mắn thay đã không gây ra cú sốc lớn, bởi trong cùng năm đó, Qatar Petroleum International đã tham gia góp vốn vào dự án bằng cách mua lại 25% cổ phần từ SCG. Đi kèm là hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động mà Qatar Petroleum chính là nhà cung cấp. Trước đó, vào năm 2009, Tập đoàn này cũng đã kí kết thỏa thuận khung với SCG để đầu tư vào dự án.

Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ 3 năm sau ngày góp vốn, Qatar Petroleum International đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi dự án với lý do tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển.

Quyết định này như một cú đánh mạnh vào SCG và PVN khi công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất và các bên cũng đã chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy. Qatar Petroleum International rút đi, có nghĩa là SCG và PVN lại phải quay lại giải bài toán cũ - vốn cho dự án.

Để cứu vãn, SCG đã phải "bấm bụng" chi 36,1 triệu USD (tương đương 1,3 tỷ baht) mua lại toàn bộ 25% vốn của Qatar Petroleum International – tức mua lại phần vốn góp đã bán cho đơn vị này 5 năm trước đó. Sau thương vụ này, tỷ lệ góp vốn của SCG lại khôi phục về mốc 53%.

Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều

Theo ông Roongrote Rangiyopash - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.

Như vậy, phải chờ đến 5 năm nữa dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn mới có sản phẩm thương mại.

10 năm mua đi bán lại, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tiếp tục lỡ hẹn? ảnh 2

Ông Roongrote Rangiyopash - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG

Tuy nhiên, lộ trình 5 năm này cũng đang bị đặt dấu hỏi lớn khi PVN hiện đang ở "thế kẹt" về thu xếp vốn. Theo tờ S&P Global Platts, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết hiện tại PVN vẫn chưa thu xếp được vốn.

Cụ thể, PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có.

Tuy vậy theo quy định của luật pháp Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước chỉ được bảo lãnh vốn vay cho công ty con mà doanh nghiệp này năm 51% vốn trở lên - trong khi đó, tỷ lệ nắm giữ của PVN tại Hóa dầu Long Sơn chỉ là 29%. Nếu được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay, dự án sẽ có thể được khởi công vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới, ông Sơn cho biết thêm.

Song, dư luận có quyền nghi ngờ về khả năng Chính phủ bảo lãnh cho PVN vay vốn để đổ tiền vào Hóa dầu Long Sơn, bởi hiện nay gánh nặng nợ công đang rất lớn và nhất là Chính phủ đang phải gánh khoản bù lỗ khổng lồ cho dự án lọc dầu Nghi Sơn.

Thêm vào đó, việc chủ đầu tư hơn một lần "hứa hão" về ngày triển khai dự án càng khiến dư luận nghi ngờ. Trước đó vào tháng 5/2016, đại diện SCG từng tuyên bố sẽ triển khai dự án vào quý IV/2016, thế nhưng chỉ ít lâu sau, Chủ tịch SCG đã phải lùi ngày khởi công sang cuối năm 2017. Và không biết sắp tới, SCG còn lùi ngày khởi công đến bao giờ?

Tin mới lên