Tài chính

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2017

(VNF) – Cùng VietnamFinance nhìn lại năm 2017 với 10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2017

VN-Index vượt đỉnh 10 năm là sự kiện rất quan trọng trong năm 2017. Ảnh: Biểu tượng con bò tót tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - tượng trưng cho xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán

VN-Index vượt đỉnh 10 năm

Phiên giao dịch buổi chiều 28/12 diễn ra hết sức tích cực khi dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường giúp các chỉ số đồng loạt bứt phá. Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index tăng 8,26 điểm (0,85%) lên 976,72 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuộc khủng hoảng cuối năm 2007.

Ở quy mô vốn hóa này, thị trường chứng khoán Việt Nam đủ tiêu chuẩn định lượng về số doanh nghiệp vốn hóa lớn để sánh vai với các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, việc nâng hạng từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần nhiều sự cải thiện về chất, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các tổ chức tài chính trung gian góp sức cùng nhà quản lý trong việc chuẩn hóa một số chính sách pháp lý, quy chuẩn kế toán, kiểm toán, công bố thông tin bằng tiếng Anh....

Năm 2017, việc hàng loạt ngân hàng và "bom tấn" Nhà nước lên sàn cũng là sự kiện đáng chú ý.

Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017 (Kienlongbank, VIB, VPBank, LienVietPostBank, BacABank), sàn chứng khoán đã đón tổng cộng 14 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán trong tổng cộng hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay.

Cũng trong năm 2017, hàng loạt những quả đấm thép chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại thị trường chứng khoán, trong đó không thiếu những cái tên có vốn hóa hơn 1 tỷ USD như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã: HVN-UPCoM), Tập đoàn dệt may Việt Nam (mã: VGT-UPCoM), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (mã: PLX-HOSE)…

Nhộn nhịp hoạt động bán vốn, thoái vốn

Năm 2017 có thể coi là một năm nhộn nhịp hoạt động bán vốn, thoái vốn nhất từ trước tới nay mà tiêu biểu nhất, ấn tượng nhất là thương vụ Nhà nước bán 53,59% cổ phần Sabeco. Nhà nước thu về số tiền kỷ lục gần 110.000 tỷ từ thương vụ này, đổi lại, Vietnam Beverage - công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu cổ phần chi phối (trên 53%) tại Sabeco.

Trước Sabeco, thương vụ Nhà nước thoái 3,33% vốn tại Vinamilk là lớn nhất. Ngày 10/11, SCIC đã bán thành công trọn lô cổ phần trên cho quỹ ngoại Platium Victory Pte. Ltd với giá 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá khởi điểm 24%. SCIC theo đó thu về thêm gần 9.000 tỷ đồng.

Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng sau khi bán thành công hơn 53% cổ phần Sabeco

Một thương vụ lớn khác phải kể đến là giao dịch thỏa thuận "khủng" cổ phiếu VRE của Vincom Retail ngày 7/11. Phiên giao dịch này chứng kiến 415 triệu cổ phiếu VRE được các tổ chức trao tay nhau với tổng giá trị 16.849 tỷ đồng, tương đương khoảng 743 triệu USD.

Một số thương vụ thoái vốn, bán vốn tiêu biểu khác có thể kể đến như thương vụ Bộ Xây dựng bán vốn tại DIC Corp với phiên khớp lệnh kỷ lục 128 triệu cổ phiếu; cổ phiếu Vietjet Air chào sàn; bán đấu giá 120 triệu cổ phiếu Viglacera; FPT bán vốn tại FPT Retail và FPT Trading; cổ phiếu VPBank chào sàn; thương vụ bán 21,5% vốn của HDBank; thương vụ IPO của IDICO…

Vietjet lên sàn và xuất hiện nữ tỷ phú USD đầu tiên

Ngày 28/2, 300 triệu cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE.

Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VJC của Vietjet đã tăng kịch trần 20%, đưa thị giá cổ phiếu này tăng từ mức giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu lên 108.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của Vietjet cũng theo đó mà tăng thêm tới 5.400 tỷ đồng chỉ trong vòng một ngày, đạt con số 32.400 tỷ đồng. Hiện giá trị vốn hóa của Vietjet đã lên đến trên 65.000 tỷ đồng.

Ngày Vietjet "cất cánh" trên sàn HoSE cũng là ngày mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet lọt danh sách 3 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời cũng trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Tháng 3, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Hiện theo Forbes, tài sản của bà Thảo hiện lên đến 2,4 tỷ USD.

Khởi tố, bắt giam, xét xử nhiều vụ án tài chính – ngân hàng lớn

Phạm vi và mức độ khởi tố, bắt giam cũng như xét xử các vụ án tài chính – ngân hàng của năm 2017 gây ấn tượng cực kỳ đậm nét. Nổi bật, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn, chung thân với Hà Văn Thắm trong đại án OceanBank.

Liên quan đến đại án này, thậm chí một cựu lãnh đạo cao cấp như ông Đinh La Thăng cũng bị khởi tố, bắt giam và hiện đối diện với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Vụ bắt Trầm Bê, khởi tố Huỳnh Nam Dũng cũng gây chú ý.

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng. 9 người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.

Năm 2017, "đại gia" Trầm Bê "ngã ngựa"

Trong một vụ án ngân hàng khác, ngày 16/10, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) đã hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) Huỳnh Nam Dũng và 16 đồng phạm về tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra còn có thể kể đến các vụ xét xử và tuyên án phúc thẩm đại án Phạm Công Danh; xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga lừa đảo; bắt giam thêm nhiều cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á…

Nhiều chính sách ngân hàng quan trọng được ban hành

Ngày 15/8, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng có nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu, dù chỉ mang tính thí điểm, có hạn định về thời gian và phạm vi xử lý nợ xấu nhưng đây vẫn là "cơ hội vàng" để các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khai thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

Chiều ngày 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Hai nội dung nổi bật trong Luật sửa đổi là việc Quốc hội bổ sung thêm "Mục 1e: Phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt", được xem như là động thái mở đường cho phá sản ngân hàng; và quy định lãnh đạo ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại doanh nghiệp.

Một số chính sách ngân hàng quan trọng khác có thể kể đến như: Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020"; Thông tư số 09/2017/TT-NHNN Sửa đổi quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC; Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Quyết định số 1425 và 1424 của NHNN giảm lãi suất điều hành, cho vay; Quyết định 21/2017/QĐ-TTg nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ 50 lên 75 triệu đồng…

Sốt tiền ảo

Bitcoin cùng các loại tiền ảo khác đã gây lên cơn sốt toàn cầu trong năm 2017, trong đó có Việt Nam. Trước thực tế này, tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Đến tháng 10, NHNN đã phát đi thông báo rằng việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khủng hoảng BOT

Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ khủng hoảng BOT, trong đó tiêu biểu là 2 vụ tại BOT Cai Lậy và BOT Bến Thủy.

Ngày 1/8/2017, BOT Cai Lậy chính thức triển khai việc thu phí với giá vé từ 35.000 - 180.000 đồng, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng khiến các tài xế phản đối vì cho rằng mức giá quá cao. Từ ngày 6/8, các tài xế bắt đầu dùng tiền lẻ mua vé khiến giao thông qua trạm ùn tắc buộc chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần. Ngày 15/8, trước sự phản ứng quyết liệt của các tài xế, BOT Cai Lậy quyết định dừng thu phí. Ngày 16/8, Bộ Giao thông vận tải đồng ý giảm mức phí 30% cho các phương tiện qua trạm.

9h ngày 30/11, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Kể từ mốc thời gian trên đến chiều 4/12, cánh tài xế liên tục dùng nhiều "chiêu" để đối phó với trạm thu phí khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm 20 lần. Tối 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng để làm rõ mọi vấn đề và đề xuất phương án.

BOT Cai Lậy phải liên tục xả trạm và tạm dừng thu phí khi giới tài xế đồng loạt phản đối bằng nhiều "chiêu" khác nhau

Với BOT Bến Thủy, việc phản đối diễn ra liên tục từ cuối năm 2016 đến tận tháng 4/2017 mới chấm dứt khi chính thức có quyết định từ phía cơ quan có thẩm quyền rằng người dân sống hai bên Trạm Bến Thủy 1 (thành phố Vinh, Nghệ An) không phải mua vé BOT, các xe buýt khi lưu thông qua trạm này cũng được miễn giá vé hoàn toàn.

Nhiều thương vụ IPO thất bại

Bên cạnh những thương vụ thoái vốn, bán vốn kỷ lục thì năm 2017, nhiều thương vụ IPO thất bại cũng diễn ra mà điển hình là 2 thương vụ IPO Becamex và IPO Tổng công ty Sông Đà.

Mặc dù đưa ra đấu giá đến 311,2 triệu cổ phiếu, tương đương 23,6% vốn điều lệ nhưng phiên đấu giá của "ông trùm" Đồng Nai Becamex "ế" nặng khi lượng đăng ký mua chỉ bằng 6,1% lượng chào bán.

Các cáo bạch tài chính cho thấy Becamex đang cầm cố đến hơn 5km2 đất tại các ngân hàng. Trong số đó, có những khu đất "vàng" tại thành phố mới Bình Dương, các khu công nghiệp và một loạt khu đất sạch.

Thương vụ IPO Tổng công ty Sông Đà thậm chí còn "thảm hại" hơn khi trong số hơn 219,6 triệu cổ phần chào bán, Tổng công ty Sông Đà chỉ bán được vỏn vẹn 790.900 cổ phần, tương đương 0,36%.

Tài chính tiêu dùng "thăng hoa"

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố mới đây, cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng trưởng kỷ lục 65%. Năm ngoái, mức tăng "chỉ" là hơn 50%.

Năm 2017 là một năm đầy dấu mốc đối với thị trường tài chính tiêu dùng. Thông tư 43 chính thức có hiệu lực tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ và đầy đủ để phát triển thị trường đầy màu mỡ này.

Hàng loạt cái tên mới cũng đồng loạt xuất hiện như FCCOM, Công ty tài chính tiêu dùng SHB, liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam BIDV - SuMi TRUST (BSL)... Hàng loạt thương vụ M&A ngành tài chính tiêu dùng được diễn ra như Lotte thâu tóm TechcomFinance, Prudential bán mảng cho vay tiêu dùng, ANZ bán mảng bán lẻ… cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng đang cực kỳ hấp dẫn.

Tăng trưởng GDP vượt mọi dự báo

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Mức tăng trưởng này vượt mục tiêu đề ra 6,7%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm. Còn khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Tin mới lên