Tài chính quốc tế

10 sự kiện nổi bật về Bitcoin trong năm 2017

(VNF) - Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet từ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ trong năm nay. Từ xuất phát điểm chỉ gần 1.000 USD một đồng ngày 1/1, giá tiền kỹ thuật số này có lúc lên tới hơn 20.000 USD trong năm 2017.

10 sự kiện nổi bật về Bitcoin trong năm 2017

10 sự kiện nổi bật của Bitcoin năm 2017

2017 là một năm đột phá của Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, cả thế giới đang trở nên "sôi sục" vì Bitcoin, từ người già, trẻ em, sinh viên đến những công nhân viên chức đều nhắc tới đồng tiền kỹ thuật số này với với một sự "thích thú" như khi nói về thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây 10 năm trước. 

Cùng với đó, một đồng tiền (chính xác hơn là một đoạn mật mã) được tạo ra từ thế giới công nghệ đã "danh chính ngôn thuận" bước vào thế giới tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD.

VietnamFinance xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật của Bitcoin trong năm 2017:

1. Bitcoin lần đầu đắt giá hơn vàng


Giá Bitcoin vượt giá vàng đã khiến thế giới bất ngờ

Đầu năm 2017, Bitcoin đã tăng giá liên tục sau nhiều sự kiện bất ngờ trên thế giới, bắt đầu từ Brexit, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Ấn Độ đột ngột khai tử tiền mệnh giá lớn. "Đó là một cơn bão sự kiện. Bất ổn đã khiến Bitcoin tăng giá", Charles Hayter - nhà sáng lập kiêm CEO website so sánh giá tiền ảo CryptoCompare nhận xét.

Cùng với sự tăng giá liên tục đó là lần đầu tiên giá Bitcoin vượt giá vàng. Sức tăng này được cho là nhờ nhu cầu lớn từ Trung Quốc, bất chấp giới chức nước này cảnh báo tình trạng người dân dùng Bitcoin để chuyển tiền ra khỏi quốc gia.

2. Bitcoin được chú ý nhờ mã độc WannaCry


WannaCry khiến nhiều người chú ý hơn đến Bitcoin

Chỉ trong vài ngày, hơn 200.000 nạn nhân ở ít nhất 150 quốc gia bị WannaCry tấn công, khiến hệ thống máy tính của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tê liệt. Mã độc này lợi dụng lỗ hổng bảo mật trên hệ điều hành Windows mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nắm giữ để lây lan ransomware (mã độc đòi tiền chuộc).

Khi bị nhiễm mã độc WannaCry, người dùng sẽ khó phát hiện ra đến khi nó tự gửi thông báo cho biết máy tính đã bị khóa, mọi tập tin bị mã hóa. Bạn chỉ có thể khôi phục dữ liệu nếu trả 300 USD cho kẻ tấn công, thanh toán qua tiền ảo Bitcoin.

Vì vậy, vai trò của Bitcoin trong việc lây lan ransomware gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà đầu tư và quản lý cho rằng đồng tiền này có vai trò quan trọng trong các hoạt động bất chính. Ở chiều ngược lại, Jerry Brito - Giám đốc điều hành Coin Center cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghe thấy những nỗ lực phát triển Bitcoin là vì ransomware".

Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng việc tội phạm tập trung vào sử dụng đồng tiền này cho thấy thay đổi tích cực mà một loại tiền điện tử có thể mang lại cho các quốc gia giàu và nghèo. Tuy nhiên, các nhà quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn Bitcoin vì hiện nó có liên quan tới những kẻ tin tặc chuyên ăn cắp thông tin và tiền của nhiều doanh nghiệp và các tổ chức trên khắp thế giới.

3. Bitcoin vượt 3.000 USD và liên tục giữ giá


Bitcoin vượt 3.000 USD trong tâm lý lạc quan của nhà đầu tư

Trong năm nay, Bitcoin luôn khiến giới tài chính đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, vào giữa tháng 6, giá Bitcoin lập kỷ lục với mức giá 3.012 USD. Con số này sau đó đã điều chỉnh, song vẫn trên ngưỡng 3.000 USD. Tổng giá trị đồng tiền kỹ thuật số này trên toàn cầu, theo đó, đã lên hơn 49 tỷ USD.

Giới phân tích lúc đó đã dự đoán giá Bitcoin còn có thể tăng mạnh trong năm nay nhờ nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư châu Á. Tại các sàn giao dịch Trung Quốc như BTCC, đồng tiền này còn được mua bán cao hơn mức giá của trang Coindesk từ 40 đến 60 USD.

Tính tại thời điểm tháng 6, Bitcoin đã tăng giá hơn 200% trong năm 2017. Mức tăng cũng vượt trội các chỉ số của thị trường chứng khoán như S&P 500 và Nasdaq. 

"Đây mới là năm đầu tiên trong chuỗi tăng giá của Bitcoin. Tất nhiên, thị trường sẽ có những điều chỉnh và thậm chí giá Bitcoin có thể lao dốc nhưng đồng tiền này vẫn tồn tại", CEO Brian Kelly của BKCM chia sẻ với CNBC.

Cùng với đó, giới đầu tư cũng đã dồn nhiều tiền hơn vào tiền ảo sau khi Chủ tịch Neel Kashkari của Cục Dự trữ Liên bang Minneapolis nhận định: "Công nghệ khối chuỗi (blockchain) đằng sau Bitcoin còn nhiều tiềm năng hơn hiện tại".

4. Căng thẳng Triều Tiên đẩy giá Bitcoin cao kỷ lục


Căng thẳng Triều Tiên đẩy giá Bitcoin lên cao kỷ lục

Nhờ việc chứng khoán toàn cầu bị bán tháo do mối đe dọa vũ khí hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên đã khiến nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn. Bitcoin tiếp tục dễ dàng vượt mức giá 4.000 USD trong tháng 8/2017. Giá này đã tăng gấp 4 lần năm nay, và riêng tháng 8 đã tăng 40%. Tổng giá trị các đồng Bitcoin trên toàn cầu lúc đó trị giá 66,8 tỷ USD.

"Bitcoin đang hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị. Giao dịch tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng đáng kể trong vài tháng qua", Brian Kelly - Giám đốc công ty giải pháp đầu tư tài sản ảo BKCM cho biết. 

Số giao dịch Bitcoin bằng đồng yen Nhật hôm qua đóng góp gần 46% toàn cầu, tăng so với chỉ 33% hôm thứ Bảy, CryptoCompare cho biết. Số giao dịch bằng USD chiếm 25%. Giao dịch bằng NDT và won Hàn Quốc đều đóng góp 12%.

5. Bitcoin bị chia tách


Bitcoin Cash được tạo thành khắc phục điểm yếu của Bitcoin

Ý tưởng tách đôi là của một nhóm nhỏ, chủ yếu gồm các thợ đào Bitcoin tại Trung Quốc bất mãn với các cải tiến được đề xuất với công nghệ hiện tại của Bitcoin. Họ đã khởi động quá trình "fork" vào ngày 1/8/2017. Theo đó, blockchain (khối chuỗi) - sổ cái ghi lại mọi giao dịch Bitcoin - sẽ được chia làm hai.

Sau quá trình "fork", tất cả những người sở hữu Bitcoin sẽ có quyền truy cập lượng Bitcoin Cash tương đương, miễn phí. Khi đó, họ có thể bán nó lấy tiền thật, hoặc lấy các dạng tiền ảo khác.

"Việc này cũng như tách cổ phiếu vậy", Jeff Garzik - CEO kiêm đồng sáng lập Bloq cho biết, "Anh đi ngủ với 100 Bitcoin và tỉnh dậy sáng hôm sau với 100 Bitcoin + 100 Bitcoin Cash".

Các thợ đào là những người quyền lực trong cộng đồng Bitcoin. Họ là những người điều hành mạng lưới máy tính, giúp xác thực thông tin trong khối chuỗi. Và vì Bitcoin có mã nguồn mở, bất kỳ ai cũng có thể dùng nó để tạo ra loại tiền nhân bản khác.

Sau quá trình "fork", người dùng chỉ có thể nhận và bán Bitcoin Cash trên vài sàn giao dịch. Do một số đã quyết định không hỗ trợ loại tiền này như Coinbase, BitMEX và Bitstamp. 2 sàn lớn khác, là Kraken và Bitfinex, thì cho biết sẽ cho phép người dùng giao dịch Bitcoin Cash.

6. Trung Quốc cấm tiền ảo, giá Bitcoin lao dốc


Giá Bitcoin đã lao dốc tới 40% do Trung Quốc cấm tiền ảo

Giá Bitcoin đã rơi tới 40% sau khi hồi phục lại do Trung Quốc yêu cầu dừng ngay hoạt động phát hành tiền ảo để huy động vốn vào hồi tháng 9.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo đã hoàn tất quá trình điều tra về các hoạt động ICO vào tháng 8 và khẳng định hoạt động này không được pháp luật công nhận. Ngoài ra, PBOC yêu cầu các cá nhân, tổ chức dừng ngay tất cả hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo.

ICO (Initial Coin Offering) - hoạt động chào bán các đồng tiền ảo lần đầu, gần tương tự như IPO - đang được xem là một trong những hình thức huy động vốn phát triển tại Trung Quốc và đặc biệt được các start-up ưa chuộng.

Không chỉ vậy, ngân hàng trung ương nước này còn cho biết sẽ truy phạt những ICO đã huy động vốn thành công trước đó. Cơ quan này khẳng định sẽ có biện pháp về mặt pháp lý để chấn chỉnh tình trạng này.

ICO đã trở thành một phương tiện chính trong việc gây quỹ cho các dự án xây dựng trên công nghệ blockchain. Trên thế giới, các start-up đã huy động hơn một tỷ USD từ bán các đồng tiền ảo. Riêng tại Trung Quốc, theo số liệu Reuters đưa tin, ICO đã huy động ít nhất 2,62 tỷ nhân dân tệ (khoảng 400 triệu USD).

7. Dubai có chung cư đầu tiên trên thế giới cho mua bằng Bitcoin


Dự án trị giá 325 triệu USD chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin

Dự án bất động sản trị giá 325 triệu USD đã được mở bán ở Dubai và chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin. Dự án có tên Aston Plaza and Residences, được đầu tư bởi hai doanh nhân người Anh là Michelle Mone và Doug Barrowman. Khu căn hộ có diện tích 223.000 m2, được chia thành 2 tòa tháp 40 tầng.

Chủ đầu tư công trình này khẳng định đây là "dự án bất động sản đầu tiên" được định giá bằng tiền ảo Bitcoin.

Doanh nhân Doug Barrowman – Chủ tịch Knox Group, giải thích lý do dự án chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì loại tiền ảo này ngày càng được xem là một công cụ đầu tư chính thống.

Ông Barrowman cho biết đã đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo trong vài năm trở lại đây và đang theo sát tình hình phát triển của thị trường. "Tôi thấy rằng thị trường đang ở giai đoạn mà những khách hàng thích nghi nhanh đã chấp nhận dành chỗ cho tiền ảo. 

Do vậy, việc mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, tạo cơ hội cho mọi người thanh toán bằng tiền ảo, đơn cử như Bitcoin, là một điều hợp lý thay vì chỉ có tiền tệ thông thường", nhà đầu tư này cho biết.

Cũng theo ông Barrowman, tiền ảo sẽ hâm nóng thị trường bất động sản trong thời gian tới. Vì vậy, cho phép khách hàng mua căn hộ bằng Bitcoin là một bước đột phá nên làm.

8. Giới trẻ Hàn Quốc "hư hỏng" vì Bitcoin


Bitcoin đã tạo thành cơn sốt tại Hàn Quốc

Ở nhiều nơi, tiền điện tử chỉ được coi như trò chơi may rủi, nhưng tại Hàn Quốc nó được coi là khuynh hướng chủ đạo. Quốc gia này là một trong ba nước có lượng giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới. Một ngày, Hàn Quốc chiếm tới 20% tổng mua bán Bitcoin trên toàn cầu.

Trước đây, nó chỉ dành cho những người rành công nghệ nhưng bây giờ tất cả mọi người đều quan tâm tới Bitcoin", Isacc Chung, một sinh viên đại học, người đã kiếm được hàng nghìn USD từ việc trao đổi tiền kỹ thuật số, chia sẻ.

Nhu cầu cao tại thị trường Hàn Quốc khiến người dân ở đây thường phải trả cao hơn 15% đến 20% so với mức giá trên toàn cầu. Giới kinh doanh địa phương ví đó là "kimchi hảo hạng", một món cải muối nổi tiếng tại quốc gia này.

Nhiều nhà đầu tư trung bình và nhỏ sẵn sàng trả một mức giá cao hơn vì hi vọng giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng chóng mặt. "Họ coi đó như một dạng cờ bạc và cố kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách mua bán chúng", ông Kim Duyoung, quản lý môi giới Bitcoin tại Coinplug, nói.

Vấn đề giới trẻ lao vào Bitcoin đã đưa ra bàn luận trong cuộc họp của nội các Hàn Quốc. Tại cuộc họp, Thủ tướng Lee Nak-yon cho rằng giới trẻ Hàn Quốc đang nhảy vào thị trường "cuồng nhiệt" nhằm kiếm tiền nhanh chóng, khiến một số người bị lôi kéo vào các hành vi lừa đảo.

"Nếu chúng ta để những thứ này tiếp diễn, tôi cảm thấy những hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra", Thủ tướng Hàn Quốc nhận định. Ông Lee Nak-yon cũng cho biết, khối lượng giao dịch trên thị trường tiền ảo của Hàn Quốc đã vượt qua chỉ số Kosdaq của thị trường chứng khoán nước này, với giá trị vốn hóa khoảng 252 tỷ USD.

9. Sàn tiền ảo quá tải vì Bitcoin


Coinbase ngày càng trở nên quá tải vì cơn sốt Bitcoin

"Do lượng truy cập lớn, hoạt động mua bán sẽ tạm thời ngừng lại. Chúng tôi sẽ khắc phục việc này càng sớm càng tốt", thông báo tối qua trên trang trạng thái của Coinbase cho biết. Sau đó hơn hai giờ, sàn này cho biết đã khôi phục hoạt động và "đang theo dõi sát để duy trì sự ổn định".

Dịch vụ của Coinbase bị gián đoạn ngay khi giá Bitcoin xuống tới 10.400 USD trên sàn này, thấp hơn 44% so với đỉnh đạt được là 20.000 USD.Cùng với đó, gần như toàn bộ tiền ảo được Coin Market Cap theo dõi lúc đó cũng rớt thê thảm. Riêng Bitcoin Cash - đồng tiền tách ra từ Bitcoin hồi tháng 8 - mất giá tới 40% chỉ trong 2 ngày.

Trên GDAX - sàn giao dịch của Coinbase cho nhà đầu tư tổ chức, khoảng 1 tỷ USD Bitcoin đã được sang tay trong 24 giờ cùng ngày. Con số này trên Bitfinex còn lên tới 2 tỷ USD.

Coinbase liên tục gặp sự cố trong tháng 12. Trước đó, Coinbase cũng phải thông báo ngừng giao dịch Bitcoin Cash do nhiều lo ngại rằng nhân viên sàn này có thể đã tham gia giao dịch nội gián.

Từ nhiều tháng nay, Coinbase đã phải vật lộn với việc website quá tải vì lượng truy cập lớn. Chỉ trong ngày 12/12, họ còn ngừng giao dịch tới 2 lần.

10. Bitcoin lên sàn tương lai lớn nhất thế giới


Bitcoin "danh chính ngôn thuận" bước vào giới tài chính nhờ CME

Bitcoin đã tiến thêm một bước vào thị trường tài chính truyền thống trong tháng 12, khi hợp đồng tương lai Bitcoin chính thức lên Chicago Mercantile Exchange (CME).

Trên CME, hợp đồng tương lai Bitcoin được giao dịch với mã BTC. Chỉ trong 4 giờ đầu sau khi mở cửa, giá Bitcoin tương lai đã giảm 3,8%, từ 20.650 USD xuống hơn 18.760 USD.

Trước đó, sàn CBOE cũng đã bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin, với mã XBT. Giá Bitcoin tương lai khi đó tăng tới 19% đầu phiên và chốt phiên với hơn 4.000 hợp đồng được sang tay.

Joe Van Hecke - đồng sáng lập kiêm giám đốc hãng giao dịch Grace Hall - hoạt động trên cả CME và CBOE. Ông cho rằng quy mô của CME lớn hơn CBOE rất nhiều, và có vẻ trên CME có nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia hơn.

Một điểm khác biệt cơ bản nữa giữa hai sàn, là hợp đồng của CBOE gồm một Bitcoin, trong khi của CME đại diện cho 5 Bitcoin. Bên cạnh đó, CBOE niêm yết giá dựa trên website đấu giá tài sản kỹ thuật số - Gemini, còn CME dùng chỉ số theo dõi riêng - tổng hợp từ nhiều sàn tiền ảo.

Tin mới lên