Tài chính quốc tế

10 sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016 do VietnamFinance bình chọn

(VNF) - Thế giới năm 2016 chứng kiến nhiều biến động, từ những sự kiện chính trị như bầu cử Mỹ, Brexit đến những thảm kịch kinh hoàng như khủng bố, máy bay rơi. VietnamFinance điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2016.

10 sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016 do VietnamFinance bình chọn

Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016.

1. Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là sự kiện khiến giới truyền thông thế giới tốn nhiều giấy mực nhất, mang lại kết quả bất ngờ nhất, đồng thời cũng khác thường nhất, khốc liệt nhất và gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nước Mỹ đã có vị Tổng thống được đánh giá là nhiều cá tính nhất: Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa, thắng bà Hillary Clinton, đảng Dân chủ .

Việc ông Trump đắc cử đánh dấu một bước thay đổi lớn trên chính trường Mỹ. Là doanh nhân và gần như không có kinh nghiệm chính trường, ông Trump đã dùng những cách rất riêng nhằm tranh thủ sự vận động của cử tri Mỹ. Những việc làm từng bị bêu là trò cười trên chính trường Mỹ đã giúp vị tỷ phú New York bước vào Nhà Trắng.

Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016.

Chiến thắng của ông Donald Trump được đánh giá là bất ngờ bởi các cuộc thăm dò trước đó cho thấy vị tỷ phú New York bị đối thủ Hillary Clinton của phe dân chủ bỏ xa. Tuy nhiên, kết quả các cuộc bỏ phiếu lại nói lên điều ngược lại, khi nhiều cử tri chọn Trump để gửi gắm tương lai nước Mỹ.

Với thông điệp xuyên suốt là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", Donald Trump đưa ra cam kết mang việc làm về cho người Mỹ. Ông ra mặt phản đối các hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và các quốc gia. Chiến thắng của Trump được coi là cửa tử đối với hiệp định TPP được 12 quốc gia dày công đàm phán.

Vị tỷ phú New York cũng tỏ rõ thái độ với người nhập cư. Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng đưa ra những tuyên bố gây sốc như cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ hay xây dựng bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng được các tạp chí danh tiếng bình chọn là nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất năm 2016 và dự đoán năm 2017 ông sẽ tạo nên những "cơn bão" mới. Với những gì Donald Trump đã hứa và đang thực hiện thì một khi ông chính thức trở thành tổng thống, nước Mỹ sẽ bước vào con đường "đột phá" với hàng loạt chính sách cực kỳ khác biệt của ông.

2. Tân Tổng thống Philippines và cuộc chiến chống ma túy

Năm 2016, thế giới cũng dồn sự chú ý vào một quốc gia châu Á. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, xuất hiện trên tiêu đề của nhiều báo quốc tế với chiến dịch càn quét tội phạm ma túy gây tranh cãi. Ông Rodrigo Duterte được người dân Philippines bầu ngày 9/5/2016 và chính thức nhậm chức ngày 30/06/2016. Báo chí gọi ông là "Donald Trump của Philippines" vì tính khí thất thường và những phát ngôn gây sốc.

Ông từng nói với người dân vào ngày 18/8: "Hãy bắn chúng (những người buôn bán và sử dụng ma tuý) và tôi sẽ bảo vệ các bạn".

Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Duterte gây chấn động thế giới.

Một báo cáo mới được công bố gần đây cho thấy trong vòng hơn 5 tháng qua, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt khoảng 2.000 nghi phạm buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy từ sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền và khoảng 3.000 người khác được cho là đã bị các nhóm săn lùng tội phạm giết chết hoặc thiệt mạng trong các vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm.

Tổng thống Duterte tuyên bố chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines sẽ không chấm dứt cho đến cuối nhiệm kỳ 6 năm của ông, cho tới khi tất cả những kẻ buôn bán ma túy bị tiêu diệt. Chiến dịch đẫm máu này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của của nhiều nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Điều này dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Manila trong thời gian qua mặc dù hai nước vốn là đồng minh lâu năm.

3. Anh rời EU (Brexit)

Ngày 23/6, kết quả cuộc trưng cầu dân ý với 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức dẫn đến sự kiện Brexit, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế EU cũng như toàn thế giới.

Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức và người kế nhiệm, bà Theresa May, chính thức trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing vào ngày 13/7. Bà May cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU theo sự lựa chọn của người dân, hứa hẹn sẽ đoàn kết đất nước và tạo ra một viễn cảnh mạnh mẽ, mới mẻ và tích cực cho tương lai.

Sự kiện Brexit gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế EU cũng như toàn thế giới.

"Cuộc hôn nhân đứt gánh" giữa Anh và EU sau 43 năm chung sống chắc chắn sẽ khiến EU có nguy cơ tan rã thành nhiều quốc gia với các nền kinh tế độc lập, xóa sổ một thị trường chung, một nền kinh tế chung và một liên minh về mặt chính trị. Nếu có trụ lại, EU sẽ trở nên chia rẽ và suy giảm tiếng nói trên trường quốc tế.

Nguy hiểm hơn, một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng. Hiện chưa rõ quá trình Anh rời EU sẽ kéo dài bao lâu, nhưng bà Theresa May hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành Brexit trước ngày 31/3/2017.

4. Các vụ khủng bố kinh hoàng

Năm 2016 tiếp tục là một năm có nhiều vụ khủng bố kinh hoàng ở nhiều nơi, bao gồm Trung Đông, châu Âu và Đông Nam Á. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm, hoặc cũng "truyền cảm hứng" cho các cuộc tấn công chết người.

Một loạt vụ nổ đã xảy ra giữa lòng thủ đô Jakarta (Indonesia) vào ngày 14/1 khiến một số người thiệt mạng. Ngay sau các vụ nổ là cuộc đấu súng giữa cảnh sát và nghi phạm. 

86 dân thường đã thiệt mạng và 434 người khác bị thương khi một chiếc xe tải lao vào đám đông ở thành phố Nice trong buổi lễ mừng ngày Quốc khánh. Đêm 14/7/2016, một nghi phạm gốc Tunisia đã lái xe tải đâm vào dòng người đang xem pháo hoa nhân quốc khánh Pháp dọc bờ vịnh ở thành phố Nice. Tài xế người Tunisia đã bị cảnh sát tiêu diệt. Một số báo cáo cho biết y đã hô to "Thánh Alla vĩ đại" trước khi ra tay. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tính chất "khủng bố" của vụ tấn công này là điều không thể phủ nhận. Ông cũng gọi đây là hành động bạo lực tuyệt đối.

Bức ảnh búp bê nằm cạnh một thi thể đã trở thành biểu tượng của vụ thảm sát bằng xe tải tại Pháp đêm 14/7.

Trước đó, ba vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Brussels vào giờ cao điểm buổi sáng hôm 22/3. Hai vụ nổ xảy ra tại sảnh đi của sân bay Zaventem trong khi một quả bom khác phát nổ tại ga tàu điện Maalbeek. Khoảng 300 người bị thương và 35 người thiệt mạng, bao gồm cả 3 kẻ đánh bom liều chết. Sau vụ tấn công này, Bỉ đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất.

15 người đã bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng, trong một vụ đánh bom liều chết bên ngoài một quán bar ở Ansbach, Đức vào hôm 24/7. Kẻ đánh bom, được xác định là Mohammad Daleel (27 tuổi), một người tị nạn Syria. Y đã thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo tổ chức khủng bố IS.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nổi bật nhất là vụ đánh bom liều chết ở sân bay Ataturk, thành phố Istanbul ngày 28/6 khiến 45 người thiệt mạng; và vụ đánh bom đám cưới ở Gaziantep khiến 57 người thiệt mạng ngày 20/8.

Một vụ xả súng cũng đã rúng động nước Mỹ khi lấy đi sinh mạng của 49 người trong một hộp đêm ở Orlando (Mỹ) ngày 12/6.

Vụ xe tải lao vào phiên chợ Giáng sinh ở Đức gợi nhớ vụ khủng bố ở Nice.

Năm tháng sau vụ tấn công ở Nice (Pháp), ngày 19/12, một vụ khủng bố tương tự đã xảy tại khu chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin của nước Đức, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương. Vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin đã khiến không chỉ nước Đức mà cả châu Âu bàng hoàng. 

5. Thảm kịch máy bay rơi

Ngày 24/12, chiếc máy bay Air Force Tu-154 của Nga đã phát nổ trên không phận Biển Đen. Công cuộc tìm kiếm người bị nạn vẫn đang được tiến hành, nhưng theo những kết luận bước đầu thì cả 92 hành khách và phi hành đoàn đều đã thiệt mạng.

Cũng trong năm 2016, máy bay của hãng FlyDubai chở những du khách người Nga từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất tới Rostov đã phát nổ khi cố hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 62 người. Các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng việc phi hành đoàn bị kiệt sức là một trong những nguyên nhân gây ra thảm kịch trên.

Vụ máy bay của hãng hàng không EgyptAir rơi ở đảo Karpathos, Ai Cập khiến toàn bộ 66 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm 2016, hai vụ tai nạn máy bay kinh hoàng khác đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Vụ máy bay của hãng hàng không EgyptAir rơi ở đảo Karpathos, Ai Cập ngày 19.5 khiến toàn bộ 66 người trên máy bay thiệt mạng. Đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tai nạn, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng có thể máy bay gặp sự cố liên quan đến lửa.

Ngày 28/11, một máy bay chở 77 người, trong đó có một câu lạc bộ bóng đá của Brazil, rơi ở Colombia. Chỉ có 6 người sống sót sau vụ tai nạn được cho là xảy ra do lỗi kĩ thuật.

6. Khủng hoảng di cư ở châu Âu

Từ tháng 2/2016, "tuyến đường Balkan" quan trọng nối từ Hy Lạp đến Bắc Âu đã bị đóng cửa. Đây là lộ trình mà hàng trăm nghìn người di cư vượt qua trong năm 2015 để tìm cách tới các nước Tây Âu. Tuyến đường này xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển Địa Trung Hải tới một hòn đảo của Hy Lạp, rồi từ Hy Lạp xuyên qua Macedonia, Serbia, Croatia, Slovenia để cuối cùng đến được Áo, và từ Áo sang Đức vào các nước khu vực Tây Âu. 

Sau đó một tháng, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu, đạt được thành công trong việc giảm số người vượt qua Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Hàng nghìn người di cư vẫn tiếp tục tìm đường sang châu Âu.

Tuy nhiên, dòng di cư tới Ý qua biển Địa Trung Hải vẫn đạt mức kỷ lục, và ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Tại Pháp, trại tị nạn "Rừng Calais" nổi tiếng gần cảng Calais cuối cùng cũng đã bị đóng cửa vào tháng 10, ngay sau đó chính quyền tiến hành di dời khoảng 7.000 người ở đây vào các khu tập trung mới để thực hiện các thủ tục tiếp nhận hoặc trục xuất họ.

7. Khủng hoảng chính trị - kinh tế ở Venezuela

Những khó khăn về kinh tế đã kéo Venezuela vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và xã hội trong suốt hơn 2 năm qua. Những biện pháp cải tổ kinh tế mới nhất của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn không cứu vãn được tình hình, trong khi phe đối lập được sự hỗ trợ của các thế lực thù địch không ngừng chống phá.

Venezuela bên bờ vực thẳm, nhiều người dân đã đổ ra đường biểu tình, và cướp bóc các cửa hàng, siêu thị. 

Thất bại trong việc kiểm soát giá cả, thiếu ngoại tệ và giá dầu mỏ giảm sâu đã khiến Venezuela phải rất chật vật trong việc nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Dân Venezuela đang phẫn nộ và trong tình cảnh khốn khổ vì những tờ tiền 100 bolivar không còn giá trị trong khi những tờ tiền mới mệnh giá 500 bolivar chưa xuất hiện tại ngân hàng hoặc các trụ ATM.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 17/12 đã thông báo hoãn việc loại bỏ tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất của nước này đến đầu tháng 1/2017.

Việc ngừng sử dụng đồng tiền này một cách bất ngờ và trước khi những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn được công bố đã dẫn tới sự thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng trong dân chúng. ​Nhiều người đã đổ ra đường biểu tình, và cướp bóc các cửa hàng, siêu thị. Cá biệt có nơi dân còn phá ngân hàng và đốt tờ 100 Bolivar.

Tổng thống Maduro đổ lỗi cho những kẻ đầu cơ tiền tệ và các nhóm tội phạm tại nước láng giềng Colombia vì đã khiến lạm phát nước này lên 500%. Còn giới chuyên gia kinh tế thì cho rằng việc rút tờ 100 bolivar khỏi lưu thông sẽ chẳng có mấy tác dụng tích cực để giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế đã tồn tại quá lâu tại Venezuela.

8. Cơn địa chấn Hồ sơ Panama

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4 và đợt công bố lần 2 hồi tháng 5 được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".

Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác các thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ lên một bức tranh khái quát về nạn tham nhũng trên toàn cầu, trong đó các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nên các công ty ma.

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử.

Trong số đó có các nhà lãnh đạo, hoặc thân nhân của các nhà lãnh đạo đến từ Ả rập Xê Út, Trung Quốc, Malaysia, Syria, Pakistan, Argentina và Ukraine, Nga cũng như các quan chức chính phủ hiện tại hay thời gian trước ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Trung Đông – tổng số đã có hơn 140 chính trị gia và quan chức, người nổi tiếng,... có liên quan.

Vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử đã khiến chính trường nhiều nước rung động, một số chính trị gia, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế phải từ chức

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nhấn mạnh vụ bê bối này đã bộc lộ một vấn đề của hệ thống tài chính toàn cầu, không phải là vấn đề chỉ của Panama. Theo ông, qua vụ rò rỉ tài liệu này, có vẻ như các vấn đề chính trị nội bộ và sự khác nhau giữa các cường quốc đang đóng vai trò chính trong cách giải quyết vấn đề.

9. Bê bối chính trị của tổng thống Hàn Quốc

Việc Tổng thống Park Geun Hye chính thức bị Quốc hội Hàn Quốc tuyên bố ngưng chức để luận tội là một trong những scandal lớn nhất trong nền chính trị nước này nhiều năm qua. Nó cũng là mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh vô cùng ảm đạm của nền kinh tế xứ sở kim chi năm 2016.

Bê bối của Tổng thống Park Geun Hye  là một trong những scandal lớn nhất trong nền chính trị nước này nhiều năm qua. 

Nguyên nhân chủ yếu khiến bà Park bị luận tội là do dính líu đến vụ bê bối gây áp lực lên các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc của người bạn thân Choi Soon Sil, trong đó bà Choi bị cáo buộc đã lợi dụng vị thế bạn thân của tổng thống để gây sức ép buộc các tập đoàn lớn của nước này phải ủng hộ tiền cho 2 quỹ phi lợi nhuận của mình.

Ngoài ra, bà Choi cũng bị nghi ngờ đã can thiệp vào một số vấn đề chính sách của tổng thống Park, mà một trong số đó là các chính sách kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến lượng tiêu thụ và đầu tư trong nước.

Vụ bê bối tổng thống hàn còn liên đớn đến hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, Lotte. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc - những người thường xuyên từ chối xuất hiện trước công chúng - đã bị triệu tập thẩm vấn trước quốc hội trong cuộc điều tra vụ bê bối liên quan tới Tổng thống Park Geun Hye.

10. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời

Nhà cách mạng vĩ đại và kiệt xuất của thế kỷ 20, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã qua đời ngày 26/11, ở tuổi 90. Những người ủng hộ Fidel đều ca ngợi ông là người đã mang lại độc lập, chủ quyền cho nhân dân. Cùng với Che Guevara, Fidel là nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào cách mạng các nước Latin và đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc các nước. 

 Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời ngày 26/11, ở tuổi 90.

Ông biến Cuba từ một nước sân sau, nơi những người Mỹ giàu có tới nghỉ mát, giải trí, trở thành tiền đồn cách mạng của các nước Mỹ Latinh.

Trước khi qua đời, ông Fidel đã chứng kiến một trong những sự kiện lịch sử với Cuba là khi quan hệ Cuba - Mỹ được nối lại sau nhiều thập kỷ.

Năm 2016, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba đánh dấu bước ngoặt lịch sử với chuyến thăm của Tổng thống Obama. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm Cuba vào tháng 3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Cuba – Quốc đảo Caribe trong vòng gần 90 năm trở lại đây. 

Tin mới lên