Tiêu điểm

10% vốn Đông Á Bank do công ty của ông Vũ ‘nhôm’ sở hữu sẽ xử lý ra sao?

(VNF) - Sắp tới, Ngân hàng Đông Á có thể sẽ phải tìm người đại diện hợp pháp cho 10% vốn tại ngân hàng này do Vũ "nhôm" sở hữu hoặc xin phía Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ phương án giải quyết vì ngân hàng này vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường...

10% vốn Đông Á Bank do công ty của ông Vũ ‘nhôm’ sở hữu sẽ xử lý ra sao?

Theo công bố thông tin của Ngân hàng Đông Á (Đông Á Bank), hiện cổ đông lớn nhất của Ngân hàng này là Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (nắm 10% vốn). Kế đến là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%); Văn phòng Thành ủy TP.HCM (6,87%) và Công ty Cổ phần vốn An Bình (5,42%). 

Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được biết đến là doanh nghiệp của ông Vũ "nhôm" - ông Phan Văn Anh Vũ, người vừa bị khởi tố về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", đồng thời bị Bộ Công An truy nã do trốn khỏi nơi cư trú.

Liên quan đến số cổ phần 10% này, Luật sư - Tiến Sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt, có thể Bộ Công an sẽ điều tra các liên quan về dân sự, hình sự liên quan đến số cổ phần này do ông Vũ "nhôm" sở hữu. Song song đó, Ngân hàng Đông Á cũng sẽ tiến hành tìm người đại diện hợp pháp cho 10% vốn này vì ngân hàng cũng phải hoạt động bình thường.

"Theo luật, việc sở hữu 10% vốn ở Đông Á Bank cũng đồng nghĩa với việc có 1 chân trong Hội đồng Quản trị Ngân hàng. Vì vậy, nếu không tìm được người đại diện hợp pháp, có thể Đông Á sẽ có xin hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước cử đại diện cho số vốn này hoặc có phương án xử lý phù hợp theo Luật các tổ chức tín dụng", ông Tín nói.


Cơ cấu cổ đông hiện tại của Ngân hàng Đông Á

Được biết, Ngân hàng Đông Á trong hơn 1 năm trở lại đây liên tục có các cựu lãnh đạo, cán bộ bị bắt giam vì những sai phạm trong điều hành, quản lý. Cụ thể, chiều tối 10/12/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DongA Bank; bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng Giám đốc và 3 nhân viên khác.

Tiếp đó, ngày 22/4/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm đối với bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó tổng Giám đốc DongA Bank, về 2 tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Đức Tài (49 tuổi), Nguyễn Văn Thuận (58 tuổi), nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng ​Thương mại cổ phần Đông Á; Trần Thế Hùng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ Sở giao dịch) cũng bị khởi tố vai trò đồng phạm với bà Xuyến.

Đến ngày 24/11/2017 vừa qua, có thêm 5 cán bộ của Ngân hàng Đông Á gồm: Nguyễn Đỗ Thành Trung (nguyên thủ quỹ Sở giao dịch); Trang Tài Tâm (nguyên cán bộ tín dụng Sở giao dịch, nay là Phó trưởng Phòng Phát triển kinh doanh – công nghệ, chi nhánh TP.HCM); Vũ Thị Thanh Hoa (nguyên phó trưởng Phòng Tín dụng Sở giao dịch, nay là cán bộ Phòng Kinh doanh, chi nhánh TP.HCM); Nguyễn Chí Công (nguyên phó trưởng Phòng Tín dụng Sở giao dịch, nay là Phó giám đốc Phòng Thẩm định Khối tín dụng Hội sở); Quách Thanh Sang (nguyên phụ quỹ Sở giao dịch, nay là Thủ quỹ Phòng giao dịch Bình Tây, chi nhánh quận 5 TP.HCM) tiếp tục bị bắt giữ.

Tin mới lên