Tiêu điểm

12 dự án thua lỗ: ‘Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án…’

(VNF) - "Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, những gì có thể được từ cơ chế, ngay cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, bảo hộ sản phẩm, để các nhà máy có thể hoạt động được. Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án", Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

12 dự án thua lỗ: ‘Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án…’

Thủ tướng khẳng định sẽ tạo điều kiện để các nhà máy hoạt động trở lại nhưng trường hợp không được thì cũng phải có phương án

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, vừa có buổi làm việc với 16 bộ, cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn.

Theo đó, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị về việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương trong thời gian từ ngày 13/12/2016 đến ngày 14/4/2017 là 189 nhiệm vụ. Trong đó, tổng số nhiệm vụ Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án được giao là 120 nhiệm vụ. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan được giao 69 nhiệm vụ.

Trong số 120 nhiệm vụ mà Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án được giao hiện đã hoàn thành 91 nhiệm vụ; số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong hạn là 20 nhiệm vụ; số nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành là 9 nhiệm vụ.

Trong số 69 nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan liên quan được giao, có 29 nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn; số nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong hạn là 34 nhiệm vụ, số nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành là 6 nhiệm vụ.

12 dự án thua lỗ: ‘Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án…’ ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về việc xử lý 12 dự án thua lỗ

Qua ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, ông Mai Tiến Dũng nêu rõ, từ các nhiệm vụ cụ thể được giao, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải nghiêm túc triển khai thực hiện.

"Tổ công tác của Thủ tướng không có thẩm quyền gia hạn, chúng tôi chỉ ghi nhận những đề nghị và tinh thần đề nghị của các đồng chí. Yêu cầu đặt ra là phải chỉ đạo và quyết liệt thực hiện", ông nói.

Ông Mai Tiến Dũng cũng chia sẻ: Trong quá trình thực hiện trên thực tế có những vấn đề rất khó, ví dụ trong 12 dự án, có 6 dự án ký hợp đồng EPC. EPC tại sao lại chậm? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có những nguyên nhân rất căn cơ, trong đó có việc chưa thực hiện hết các nhiệm vụ của hợp đồng EPC. Tất cả các nội dung nhiệm vụ mà hai bên đã ký tổng thầu, nhưng trong quá trình thực hiện là chưa hoàn thành. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện có điều chỉnh về tổng mức đầu tư, thiết bị, nhiều công đoạn làm không chặt chẽ, thiếu thủ tục, dẫn đến tổng quyết toán không làm được.

12 dự án thua lỗ: ‘Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án…’ ảnh 2

Quan điểm của Chính phủ là nếu các nhà máy không hoạt động trở lại được thì phải có phương án

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 13/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, nghe Bộ Công Thương báo cáo về 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ.

"Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, những gì có thể được từ cơ chế, ngay cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, bảo hộ sản phẩm, để các nhà máy có thể hoạt động được. Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy và có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm: Muốn thực hiện được gì đi nữa thì trước hết phải hoàn thành được việc quyết toán. Quyết toán xong mới làm được, phá sản cũng phải có quyết toán. Quyết toán ở đây là quyết toán có kiểm toán, hoàn thành quyết toán nghĩa là phải có kiểm toán

"Những kiến nghị của tập đoàn, tổng công ty liên quan đến sự phối hợp của các bộ, ngành… Văn phòng Chính phủ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp các đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ và đây cũng là trách nhiệm của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ", ông Mai Tiến Dũng cho hay, đồng thời một lần nữa đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong xử lý 12 dự án.

Tin mới lên