Tài chính

12 dự án thua lỗ ngành công thương đã được xử lý đến đâu?

(VNF) - Về việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, đến nay đã có 2/6 dự án thoát lỗ và bước đầu sản xuất kinh doanh có lãi. Một số dự án khác đã vận hành ổn định hơn với công suất cao hơn nên số lỗ luỹ kế đã giảm đáng kể.

12 dự án thua lỗ ngành công thương đã được xử lý đến đâu?

Nhà máy đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương

Cụ thể, trong 6 dự án đã có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ, đến nay đã có 2/6 dự án thoát lỗ và bước đầu sản xuất kinh doanh có lãi.

Nhà máy thép Việt Trung năm 2017 ghi nhận lãi 419 tỷ đồng; Nhà máy DAP Vinachem cũng đã lãi hàng chục tỷ đồng”, ông Dương Duy Hưng cho biết.

Ông Dương Duy Hưng cũng thông tin: “Các dự án còn lại, nhất là 4 dự án của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) gồm: DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định hơn với công suất cao hơn nên số lỗ luỹ kế đã giảm đáng kể”.

Đối với nhóm 3 dự án tạm dừng thi công thì dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá lần 1 nhưng chưa thành công và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để bán đấu giá lần 2. Hai dự án còn lại cũng đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại.

Đối với nhóm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Công ty PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền vào ngày 10/4 vừa qua và cho ra sản phẩm tiêu thụ đảm bảo chất lượng.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Điểm quan trọng nhất là các dự án này hoạt động trở lại khi không sử dụng thêm bất kỳ nguồn ngân sách nào nên tuân thủ theo đúng nguyên tắc mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra”.

Trong khi đó, phần vốn góp nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã rút về được gần 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ cấp tín dụng của các dự án này đến 31/1/2018 tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giảm được 193 tỷ đồng; nợ phải trả đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã giảm được khoảng 45 tỷ đồng.

Đề cập đến tiến độ xử lý các dự án yếu kém, ông Hưng cho rằng bên cạnh 1 số việc đã xử lý đúng tiến độ thì còn nhiều vấn đề vẫn chậm hơn so với mong muốn ban đầu.

“Ví dụ như việc xử lý các phát sinh tranh chấp ở hợp đồng EPC của các dự án vẫn còn chậm. Theo kế hoạch trong quý I/2018 có thể xử lý được cơ bản và tương đối dứt điểm nhưng do đây là các dự án có quy mô lớn và kéo dài qua nhiều năm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nên đến thời điểm này chưa thực hiện xong”, ông Hưng dẫn chứng.

Chia sẻ về các giải pháp của Bộ Công Thương trong thời gian tới nhằm khắc phục 12 dự án thua lỗ, ông Dương Duy Hưng nói: “Với các dự án có tiến triển tốt như các dự án sản xuất phân bón thì sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp, rà soát tiết giảm chi phí, tiết giảm lao động để duy trì nhịp độ sản xuất cao và hiệu quả hơn”.

“Trong thời gian tới, các biện pháp triển khai phải bám sát vào các chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như là các phương án, lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đặc biệt là kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo với các bộ ngành” .

Ông Hưng khẳng định: “Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như vậy thì đến hết năm 2018, hy vọng những khó khăn của các dự án này cơ bản được giải quyết và đến năm 2020 có thể xử lý triệt để”.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ ra 3 vấn đề nan giải nhất hiện nay mà các dự án thua lỗ này vẫn chưa thể thoát ra được.

“Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đây là khâu rất phức tạp bởi đến thời điểm này, vẫn còn 8 dự án vẫn có vướng mắc”.

Với nhóm vấn đề này, Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ quan điểm là nếu các bên tranh chấp không đi đến được thống nhất để giải quyết thì sẽ đưa ra Trọng tài quốc tế. Đến thời điểm này, những tranh chấp tại dự án PVtex Đình Vũ đã có quyết định đưa ra trọng tài quốc tế tại Singapore vào tháng 11/2018.

“Thứ hai là việc quyết toán hoàn thành dự án, nếu như các tranh chấp ở các hợp đồng EPC mà không được giải quyết thì khâu này cũng sẽ khó xử lý. Vì vậy, việc dồn sức để xử lý 2 nhóm vấn đề này là rất quan trọng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Thứ ba, với quy mô dự án rất lớn lại kéo dài trong nhiều năm nên hệ lụy để lại như tài chính, tỷ giá… rất phức tạp.

“Ở nhiều dự án thì phần vốn góp của phía Việt Nam không chiếm tỷ lệ chi phối cho nên chúng ta cũng không thể quyết được tất cả các vấn đề của dự án. Ví dụ như dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, phần vón góp của PVN chỉ 29%, ở dự án nhiên liệu Phú Thọ khoảng 39,7% nên các vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp theo của dự án còn phụ thuộc nhiều vào cổ đông khác”.

 

 

Tin mới lên