Thị trường

250.000 doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội lên đến 10 ngàn tỷ

(VNF) – Đó là thông tin được ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đưa ra tại Tọa đàm "Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

250.000 doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội lên đến 10 ngàn tỷ

Có 50% tổng số doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất

Cụ thể, theo ông Ánh, dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thể gọi là trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Về nợ đóng bảo hiểm xã hội, ông Ánh cho biết, tính đến cuối năm 2015, số nợ khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016, nợ bảo hiểm xã hội giảm khoảng 7.500 tỷ đồng, bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý I/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

250.000 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất

"Nợ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia bảo hiểm xã hội. Theo thống kê của chúng tôi, nợ đọng bảo hiểm xã hội tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I/2017, có nhiều doanh nghiệp phải tham gia, nợ bảo hiểm xã hội tương đối dài. Đơn cử như Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (TP. HCM) nợ 28 tỷ đồng, Công ty TNHH Nam Phương (TP. HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng… Trong số nợ đóng bảo hiểm xã hội có 1.400 tỷ đồng là nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 1.900 lao động tham gia", ông Ánh nói.

Hàng loạt vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Theo quy định, công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, việc khởi kiện hầu như không được như kì vọng.

Theo lý giải của ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân là pháp luật hiện nay chưa có sự đồng bộ.

"Nếu Điều 7 của Luật Bảo hiểm xã hội giao cho công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về bảo hiểm xã hội thì trong Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta cũng phải quy định được khởi kiện. Vì pháp luật của chúng ta không đồng bộ dẫn đến tình trạng hiện nay pháp luật có quy định nhưng không thực thi được", ông Lợi phân tích.

Ông Lợi cũng cho rằng, luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự ủy quyền của tất cả người lao động nhưng vì công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và ăn lương của doanh nghiệp nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện chính giám đốc doanh nghiệp. Đây có thể coi là vướng mắc lớn nhất.

"Bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện ông chủ người ta. Vấn đề là chúng ta phải có cơ chế khởi kiện để không liên quan đến chủ tịch công đoàn cơ sở. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì công đoàn cấp trên cơ sở được quyền can thiệp hỗ trợ và tư vấn cho công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Như vậy họ hoàn toàn có thể đứng ra khởi kiện thay cho tổ chức công đoàn cơ sở đó mà không trái với các quy định của pháp luật", ông Lợi nói.

250.000 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh 2

Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn gặp nhiều vướng mắc

Cũng chung quan điểm với ông Lợi, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bổ sung thêm: Về lý, công đoàn cơ sở có thể khởi kiện khi có sự ủy quyền của người lao động, tuy nhiên, việc ủy quyền cũng không phải đơn giản.

Hiện nay theo quy định thì người lao động muốn ủy quyền thì phải từng người một cùng với chủ tịch công đoàn ra UBND xã phường hoặc phòng công chứng làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/người. Như vậy đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn lao động thì việc này hết sức phức tạp.

"Và khi có ủy quyền rồi thì vì đây không phải là tranh chấp tập thể mà là tranh chấp cá nhân nên tòa án phải thụ lý cho từng vụ một. Đây là điều bất khả thi, thực tế tôi đã từng tham gia khởi kiện cho 29 lao động một doanh nghiệp thôi mà phải mất 3 năm. Ngay vừa rồi thôi một công đoàn ở huyện Củ Chi khởi kiện doanh nghiệp để đòi được 4 tỷ đồng cũng phải mất hơn 4 năm trời do quy trình ủy quyền ra tòa án rất nhiêu khê", ông Chính dẫn chứng.

Do đó, ông Chính cho rằng, để tháo gỡ được các vướng mắc việc cần thiết là phải sửa Luật Bảo hiểm và quy định rõ công đoàn cấp trên cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có sự ủy quyền của người lao động. Chỉ khi nào có sự tranh chấp cá nhân giữa lao động với chủ doanh nghiệp hay cơ quan bảo hiểm thì có thể ủy quyền cá nhân nhưng trường hợp đó không nhiều.

Tin mới lên