Thị trường

3 kg thanh long bằng 1 ly trà đá: Nông dân kêu nhưng trời không có lỗi

(VNF) - Đang vào cuối vụ nhưng thanh long ở Bình Thuận và các tỉnh miền Tây lại "phá kỉ lục" về giá khi giảm chỉ còn 1000 đồng/kg khiến nông dân phải đổ bỏ hàng loạt.

3 kg thanh long bằng 1 ly trà đá: Nông dân kêu nhưng trời không có lỗi

Giá thanh long tại các tỉnh miền Tây đang sụt giảm nghiêm trọng

Giá giảm… 6 lần

Với 3 ha thanh long, gia đình bà Mai ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thu hoạch được 5 tấn trái. Nhưng chỉ một số ít được thương lái mua với giá 3.000 đồng/kg, còn phần lớn gia đình bà phải đem ra chợ, bán tống bán tháo với giá 1000 đồng/kg. Với giá ấy, sau khi trừ đi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu… thì lỗ nặng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Trần Văn Hoàng, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cho biết, gia đình ông có 2 ha thanh long ruột đỏ, thu hoạch được 3 tấn trái. Tuy nhiên, chỉ trái loại 1 được thương lái mua với giá 3.500 đồng/kg. Số còn lại, không biết bán đi đâu, gia đình ông đành đổ hết xuống ao cho cá ăn.

Tình trạng đổ bỏ thanh long hiện đang xảy ra ở nhiều nơi của miền Tây Nam Bộ, khi giá sụt giảm nghiêm trọng và lượng hàng tồn lớn. Theo giới thu mua, năm nay giá thanh long tại các nhà vườn trải qua nhiều đợt biến động mạnh. Vào đầu năm nay, giá vẫn ở mức 20.000 đồng/kg, nhưng đến tháng 6  rớt xuống chỉ 10.000 đồng/kg. Gần đây giá lại tiếp tục lao dốc đến mức kỷ lục khi chỉ còn từ 2000 – 3000 đồng/kg.

Như vậy so với đầu năm, giá thanh long hiện tại đã sụt giảm tới 6 lần.

Cái giá của thiếu quy hoạch

Câu chuyện trái thanh long rẻ như bèo, phải đổ bỏ không chỉ diễn ra các các tỉnh miền Tây mà còn diễn ra ngay tại thủ phủ trồng thanh long của cả nước là Ninh Thuận và Bình Thuận.

KS Võ Thanh Hùng, Nguyên Phó Ban phân vùng kinh tế tỉnh Hậu Giang, cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch không nghiêm.

"Sự thay đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi hiện nay có phần "thả lỏng". Ở các nước tiến tiến , nếu thay đổi mục đích sử dụng đất mà không được cấp có thẩm quyền chấp thuận có thể bị khởi tố và quy vào tội hủy hoại tài nguyên  đất. Còn ở ta thực hiện quá chung chung, quản lý Nhà nước kém, hiệu lực hiệu quả thấp.

Mặc dù nhấn mạnh chúng ta phát triển ngành nông nghiệp theo cơ chế thị trường nhưng đấy phải là thị trường ổn định chứ không phải thị trường ngẫu hứng", ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, hiện nay có quá nhiều tỉnh thành đổ xô trồng thanh long, ngay cả khi không có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu. "Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh… đều có trên 1.500 ha thanh long, ngay cả một tỉnh như Cà Mau cũng đòi trồng thanh long ruột đỏ. Tại sao các tỉnh ĐBSCL có thể trồng được rất nhiều cây nhiệt đới khác, giá kinh tế cao hơn nhưng lại đi tranh giành trồng loại cây của một tỉnh khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nhưng có lợi thế về chất lượng như tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận?

Một tỉnh như Cà Mau tại sao không khôi phục lại rừng tràm tự nhiên để làm nền phát triển mật ong, kết hợp với nuôi cá đồng tự nhiên mà lại loay quay trồng cam, xoài, quýt, mía, chuối, mận… là những cây yếu thế so với những vùng nước ngọt", ông Hùng đặt câu hỏi.

Bên cạnh việc thiếu quy hoạch đồng bộ, ông Trần Xuân Minh, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là một yếu tố quan trọng khiến cho thanh long thường rơi vào thế mất giá như hiện nay.

"Do yêu cầu về chất lượng hàng hóa của Trung Quốc thường không cao nên nông dân các nơi đua nhau trồng, đến khi phía Trung Quốc không nhập hàng nữa thì khủng hoảng "thừa" ập đến là điều khó tránh khỏi", ông Minh nói.

Tin mới lên