Nhân vật

30 năm FDI: Những mẩu chuyện nhỏ về cựu Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân

(VNF) - VietnamFinance trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Hoàng Văn Huấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc về cựu Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, một trong những nhân vật đã có những đóng góp to lớn trong giai đoạn đầu mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

30 năm FDI: Những mẩu chuyện nhỏ về cựu Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân

Ông Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ rằng, đối với tôi, mấy năm làm người giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân, tôi học được nhiều điều hơn cả mười lăm năm công tác trước đó.

Ở cơ quan, anh em chúng tôi gọi ông là "ông già" vì tất cả chúng tôi đều coi ông như một người cha, người chú hay người anh cả bởi từ những việc nhỏ nhặt đến những điều to lớn ông làm đều để lại cho chúng tôi những bài học rất tâm đắc. 

Mỗi lần ông đi nói chuyện hoặc giảng bài, ông thường bảo tôi cung cấp cho ông các số liệu chính và vậy là ông ghi chúng vào một mảnh giấy to bằng bàn tay. Với bộ "giáo án" này, ông có thể thuyết trình cả buổi mà thính giả ngồi nghe say sưa, không thấy chán.

Ông có tài "dắt trâu qua rào" để có thể khiến người khác đồng tình với ông trong việc hoạch định những chính sách mới làm lợi cho công cuộc đổi mới của đất nước. Khi vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào Việt Nam, nhiều lãnh đạo cấp cao lo lắng mất tính chủ đạo của kinh tế quốc doanh, ông đã cùng các cộng sự của mình nghiên cứu đề ra chính sách "chuyển giao không bồi hoàn" để sau đó nó trở thành điều luật, góp phần thu hút thêm nhiều vốn đầu tư cho đất nước. 

Nói nôm na, chính sách này là dành cho nhà đầu tư nước ngoài một số ưu đãi nếu họ cam kết sẽ chuyển giao lại cơ nghiệp cho phía Việt Nam sau một thời gian nhất định mà phía Việt Nam không phải bồi hoàn gì cho họ.

Ông dạy chúng tôi: "Muốn làm lãnh đạo thì phải biết cách, đừng để cho người ta coi thường mình. Đi làm việc với địa phương nào thì thuộc một số con số cơ bản về địa phương đó. Khi họ báo cáo sai thì mình chỉnh lại ngay. Làm như thế, về sau không ai dám nói sai nữa".

Một lần, tôi tháp tùng ông vào thăm huyện Nam Đàn. Trước khi rời địa phương, lãnh đạo huyện tặng ông cuốn sách giới thiệu về địa phương. Về đến Hà Nội, ông mở cuốn sách ra đọc thì thấy một phong bì đựng mấy trăm ngàn đồng. 

Ông bảo tôi: "Huyện đã nghèo, mình vào thăm người ta cho ăn uống không lấy tiền, khi về họ lại cho quà, thật không ổn. Cậu gửi vào trả lại giúp mình cái phong bì này và nhớ cảm ơn họ". Tôi lúng túng: "Thưa chú, giá như lúc đó mình phát hiện ra và trả lại thì không sao, nhưng bây giờ sự việc đã đâu vào đó, cháu e rằng họ sẽ rất khó xử nếu ta gửi trả tiền lại cho họ. Mong chú xem lại". Ông suy nghĩ một lúc rồi bảo tôi chuyển số tiền đó vào quỹ công đoàn cho anh em ăn trưa.

Việc trong cơ quan, ông theo dõi rất chặt chẽ, nhưng khi đã phân công cho ai làm gì thì được quyền chủ động, ông không can thiệp. Tỷ như việc ký giấy phép đầu tư, ông đã giao cho GS. TSKH Nguyễn Mại, Phó chủ nhiệm SCCI ký thì ông không đặt bút ký vào giấy phép nào nữa, ngoại trừ giấy phép cấp cho Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Cơ quan báo chí của SCCI với một đối tác nước ngoài và một giấy phép đặc biệt khác. 

Một hôm, tôi và GS.TSKH Nguyễn Mại đang đi công tác tại Kiên Giang thì bị gọi giật về TP. HCM. Giáo sư hỏi: "Việc gì gấp thế anh?". Ông nói: "Có một Giấy phép cần ký ngay cho họ hoạt động, tôi đã cho anh em chuẩn bị sẵn tại Văn phòng đại diện ở TP. HCM, anh về ký ngay". Giáo sư thốt lên: "Trời đất ơi, tôi đang đi vắng thì anh ký chứ". Ông đáp: "Việc ký giấy phép tôi đã phân công cho anh rồi".

Tháng 3/1989, SCCI được thành lập. Ông Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước và ông Võ Đông Giang, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác kinh tế quốc tế được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Phó chủ nhiệm SCCI. Lãnh đạo cấp cao dự kiến một Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sẽ kiêm Chủ nhiệm SCCI vì ngoài bộ phận chuyên trách, lãnh đạo SCCI còn có Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng của bảy bộ có liên quan đến FDI làm Phó Chủ nhiệm kiêm nhiệm.

Tháng 9 năm đó, sau khi cân nhắc về nhân sự của SCCI, lãnh đạo cấp cao đã quyết định giao ông Đậu Ngọc Xuân làm Bộ trưởng Chủ nhiệm SCCI. Ông Võ Đông Giang rất đồng tình và đánh giá ông Xuân là người đủ năng lực đảm nhiệm cương vị đó. 

Trong quá trình hơn hai năm cộng tác với nhau cho đến khi ông Giang về hưu vào năm 1991, hai ông rất tâm đầu ý hợp, đoàn kết thân ái, làm gương cho cán bộ trẻ. Khi ông Giang nhận quyết định về hưu ông Xuân và lãnh đạo SCCI mời ông Giang đọc và duyệt bài tờ báo tiếng Pháp "Vietnam Scoop", tham gia các cuộc họp Ủy ban bàn về chuyên môn.

Bộ trưởng Võ Đông Giang là người hiền từ nhưng rất nguyên tắc. SCCI là cơ quan cấp bộ đầu tiên của nước ta tổ chức thi tuyển công chức. Quá trình thi tuyển được tổ chức rất nghiêm túc nhưng đã xảy ra một trường hợp vi phạm nội quy của cán bộ phụ trách tuyển chọn. Ông Giang đề nghị thi hành kỷ luật thật nặng. Ông Xuân lâm vào tình thế khó xử, phần thương cấp dưới, phần lại nể ông Giang. 

Trước khi đi công tác miền Nam, ông gọi tôi vào phòng: "Cậu có cách gì không?". Tôi trả lời: "Chú cứ yên tâm đi công tác đi, ở nhà sẽ tìm cách xử lý ổn thỏa". Tôi báo cáo toàn bộ câu chuyện với Giáo sư Nguyễn Mại và nói rõ sự trăn trở của ông Xuân. Giáo sư Nguyễn Mại đã thuyết phục ông Võ Đông Giang xử lý kỷ luật mức nhẹ hơn và vị cán bộ này đã được thoát nạn.

Đầu năm 1991, lãnh đạo SCCI quyết định thành lập cơ quan báo chí của Ủy ban, mặc dù trong hoàn cảnh "bốn không": không tiền, không có người làm báo, không có phương tiện, không có kinh nghiệm. 

May mắn thay, một số nhà báo người Australia đã thành lập Công ty VIR tại Hongkong đến gặp lãnh đạo Ủy ban đề nghị hợp tác xuất bản hai tờ báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh là Việt nam Đầu tư nước ngoài và Vietnam Investment Review. Do đó chủ trương ra đời tờ báo của SCCI đã được thực hiện nhanh chóng bằng một Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa SCCI và Công ty VIR.

Số báo tiếng Anh đầu tiên được in tại TP. HCM đã bị Sở Văn hóa thông tin thành phố không cho phát hành. Tại cuộc họp do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì có sự tham gia của các Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Khánh và lãnh đạo một số cơ quan của Đảng và Chính phủ, sau khi ông Võ Văn Kiệt nêu 4 vấn đề sai phạm của tờ báo, ông Đậu Ngọc Xuân đứng lên định phát biểu thì ông Nguyễn Mại xin lỗi ông Xuân và đề nghị được trình bày trước lãnh đạo Chính phủ, đã làm rõ mọi vấn đề có liên quan đến tờ báo và với tư cách Tổng biên tập xin chịu mọi trách nhiệm, chịu kỷ luật nếu có sai phạm.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo Ban Văn hóa tư tưởng, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Nội vụ (Bộ Công an), ông Võ Văn Kiệt đã giao cho ông Trần Hoàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức cuộc họp để đề xuất với Chính phủ phương án xử lý. Buổi chiều hôm đó, ông Trần Hoàn chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các cán bộ lãnh đạo cấp bộ khá thân thiết với nhau. 

Mở đầu cuộc họp ông Xuân nói: "Nếu vì liên quan đến phẩm chất, đạo đức mà bị kỷ luật mới xấu hổ, không biết làm báo mà bị kỷ luật thì có gì mà xấu hổ". Cuộc họp diễn ra thân mật, mọi chuyện đã được làm rõ. Ông Trần Hoàn báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Một tuần sau tờ báo tiếp tục được xuất bản.

Ông Xuân coi cấp dưới của mình như anh em, con cháu trong gia đình. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về là ông lại tổ chức một bữa cơm thân mật ở nhà, mời một số anh em, bạn bè thân hữu đến sum họp. Năm 1997, ông tròn 70 tuổi, cũng tại bữa cơm mừng xuân, anh Ngô Văn Điểm, một cán bộ cấp dưới của ông đã tặng ông bức trướng đề: "Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng Thượng Thọ". Còn tôi đã tặng ông đôi câu đối: "Bảy mươi tuổi với đời, đức độ, thủy chung, trọn vẹn - Năm mươi năm cùng Đảng, trung thành, son sắt, kiên tâm".

Hồi còn làm thư ký cho Bộ trưởng, có lần đi công tác với ông ở nước ngoài về, tôi giúp ông kéo va li, còn ông xách dùm tôi cái cặp và vì vậy khi ra cửa sân bay, cháu ra đón, ông cúi xuống cho đứa cháu gái ôm vào cổ và cứ thế ông đeo thêm đứa cháu trước ngực, hai tay hai chiếc cặp, mặt tươi cười đi ra xe trước bao cặp mắt buồn cười đổ dồn về phía ông. Cái hình ảnh của một người ông hiền từ như thế cứ gây ấn tượng cho tôi mãi. 

Trong những điều tôi học được từ vị Bộ trưởng đáng kính của mình, có cả cách làm ông của những đứa cháu của mình.

Nguyên Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân sinh ngày 3/2/1927 tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Nguyên là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VI, khóa VII; Đại biểu Quốc hội khóa VIII; Nguyên Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước; Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư; Chủ tịch hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án Đầu tư; Nguyên Bộ trưởng, tổ trưởng tổ Nghiên cứu kinh tế Đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ. Ông từng được trao tặng huân chương Độc lập hạng Nhất và huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Tin mới lên