Tiêu điểm

3.000 tỷ đồng Formosa đền bù ngư dân chậm giải ngân vì... lũ lụt

(VNF) - Quá trình chi trả bồi thường cho ngư dân miền Trung trong sự cố Formosa gặp một số vướng mắc do tình hình lũ lụt nên tốc độ giải ngân hơi chậm.

3.000 tỷ đồng Formosa đền bù ngư dân chậm giải ngân vì... lũ lụt

Thông tin được đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết tai buổi họp báo chuyên đề ngày 14/12 cho biết, tính đến ngày 13/12/2016, các phòng tài chính kế hoạch huyện của 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã rút 1.379,6 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển Formosa, tương đương với 50,57% số kinh phí chuyển qua Kho bạc Nhà nước.

Ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng vụ kiểm soát chi - Kho bạc Nhà nước cho biết vào đầu tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã chi trả 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh liên quan và Kho bạc Nhà nước đã chuyển đủ 3.000 tỷ đồng về kho bạc huyện, tỉnh để chi trả cho ngư dân nhưng danh sách đền bù cụ thể được phê duyệt mới ở mức 2.728 tỷ đồng. 

"Quá trình chi trả bồi thường cũng gặp một số vướng mắc do tình hình lũ lụt tại miền Trung nên tốc độ giải ngân hơi chậm. Nhiều địa phương sáng rút tiền từ Kho bạc, nhận tiền về chi trả nhưng cuối ngày phải nộp trả lại Kho bạc Nhà nước vì người dân không thể đến nhận khi lũ lụt ngăn cách", ông Vũ Đức Hiệp cho hay. 

Trước đó, Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 địa phương. Cụ thể, Quảng Bình được cấp 1.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng.

4 tỉnh miền Trung đã chi 1.379,6 tỷ đồng cho ngư dân thiệt hại trong sự cố Formosa.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy gần một triệu người dân tại 4 tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa và họ đang chờ đợi tiền đền bù từ nhiều tháng qua.

Trước đó, đề án xác định bồi thường thiệt hại, hỗ trợ ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường Formosa được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng đã đưa ra các mức đền bù chi tiết với ngư dân. Cụ thể, ngư dân vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển có thể được vay tới 90% giá trị con tàu với lãi suất 1% một năm hoặc hỗ trợ một lần 50% giá trị con tàu; vay vốn 100 triệu đồng mỗi hộ...

Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ 100% chi phí dành cho ngư dân muốn chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động; chính sách giãn, khoanh nợ cho vay với doanh nghiệp thu mua tạm trữ hải sản, du lịch...

Cũng theo Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2016, hệ thống kho bạc nhà nước kiểm soát đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 78,8% dự toán năm. Lũy kế giải ngân chi thường xuyên đến 30/11 là 654.628 tỷ đồng, đạt 84,3% so với dự toán năm 2015.

Về công tác huy động vốn, đến 7/12, tổng khối lượng huy động đạt hơn 281.000 tỷ đồng, bằng 99,9% kế hoạch năm.

Tin mới lên