Tiêu điểm

4 dự án 22.000 tỷ đồng của VEC: Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị

(VNF) - Đối với các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại do VEC làm chủ đầu tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất phương án xử lý, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

4 dự án 22.000 tỷ đồng của VEC: Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị

Ảnh minh họa

Sáng nay (12/6), với 465/468 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2016. Theo đó, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là hơn 1,4 triệu tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước là 1,57 triệu tỷ đồng.

Bội chi ngân sách nhà nước là hơn 248,7 nghìn tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 197 nghìn tỷ đồng; vay ngoài nước 51,5 nghìn tỷ đồng.

Tại nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn nhà nước đã hoàn thành; có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành, chậm phê duyệt quyết toán.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp đủ mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu kê khai thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế,…

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá, tổng kết, xác định rõ nguyên nhân của các hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, khắc phục các tồn tại, hạn chế; nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, đề xuất các giải pháp để xử lý các vướng mắc liên quan đến thủ tục giải ngân vốn vay ODA, hướng tới mục tiêu quản lý, sử dụng vốn minh bạch, hiệu quả hơn.

Đối với các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại do VEC làm chủ đầu tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất phương án xử lý, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Được biết, 4 dự án của VEC bao gồm: dự án đầu tư - xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (10.500 tỷ đồng); dự án đầu tư cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (1.100 tỷ đồng); dự án đầu tư cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1-  710 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành (9.700 tỷ đồng).

Đây là các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại và được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp, cấp phát từ ngân sách theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013.

Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù việc chuyển vốn vay về cho vay lại thành vốn cấp phát đã có quyết định của Thủ tướng từ năm 2013 nhưng việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020 được thực hiện khi nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có hiệu lực thi hành do đó Chính phủ cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin mới lên