Tiêu điểm

5,5 triệu lượt kê khai tài sản, chỉ 18 người bị kỷ luật

(VNF) - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc kê khai tài sản tại Việt Nam "đang là hình thức".

5,5 triệu lượt kê khai tài sản, chỉ 18 người bị kỷ luật

Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kê khai tài sản từ năm 2007 đến 2014 cho biết đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai, xác minh được 2.632 trường hợp. Nếu năm 2007, chỉ có hơn 313.000 người kê khai thì đến năm 2012, con số này là 642.000 người, năm 2014 tăng lên 1.019.956 người.

Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật rất khiêm tốn. Cụ thể, từ năm 2007-2014, chỉ có 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Trong đó, năm 2009 kỷ luật 3 người, năm 2010 cao nhất với 9 người, còn lại năm 2013 và 2014 mỗi năm 3 người.  

"Giờ phát hiện đâu xử lý tới đó thôi chứ theo đúng thực tế và dư luận thì người ta nói hình thức cũng là có cơ sở. Kê khai đối tượng thì nhiều nhưng phát hiện kê khai không trung thực và xử lý vi phạm thì lại rất ít. Phát hiện đã ít rồi, lại phải căn cứ vào cơ chế, quy định pháp luật mới xử lý được", ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ nói.

Nguyên nhân ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực được đại diện này giải thích là do kê khai tài sản, thu nhập dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không chịu kê khai, kê khai không trung thực thì đều có hình thức xử lý song quan trọng là có phát hiện được không. "Bây giờ, kê khai này cũng đang là hình thức, người ta cũng đang giấu các thứ cho nên khó phát hiện lắm!", ông Đạt nói thêm.

Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện; kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi. Thậm chí, những hoạt động kể trên đang thực hiện một cách bị động khiến cho hoạt động này tại một số địa phương chỉ mang tính thủ tục. Người kê khai và người quản lý còn lúng túng và thụ động trong quá trình thực hiện việc khê khai, công khai và khai thác thông tin liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản.

Bên cạnh đó, cơ chế giải trình về tài sản và xử lý tài sản bất minh còn thể hiện sự lúng túng, vướng mắc; chưa gắn kết được việc theo dõi, thu thuế thu nhập cá nhân với việc kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm; chưa ban hành được văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tài sản, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu để theo dõi, quản lý việc kê khai tài sản.

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập, quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, minh bạch tài sản trên toàn quốc. Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập đang được đưa ra lấy ý kiến, theo đó khi hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng thì đối tượng phải kê khai với kỳ kê khai, loại tài sản kê khai được xác định là loại thông tin động, có thể thay đổi linh hoạt theo yêu cầu của pháp luật hiện hành.

Ông Phạm Trọng Đạt khẳng định thời gian tới, chắc chắn việc kê khai, minh bạch tài sản được đổi mới; xem xét, chỉnh sửa lại đối tượng kê khai, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm hơn. "Đã kê khai thì phải quản lý, giám sát được kê khai. Tất cả các trường hợp kê khai đều phải thẩm định, xác minh để theo dõi, giám sát mới đánh giá được người ta kê khai có đúng không, có trung thực không", ông Đạt nhấn mạnh.

Tin mới lên