Tiêu điểm

5.600 văn bản trái pháp luật được ban hành: Vi phạm đến cả quyền con người

(VNF) – Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đã có hơn 5.600 văn bản trái pháp luật được ban hành. Các văn bản này không chỉ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân vốn đã được Hiến định.

5.600 văn bản trái pháp luật được ban hành: Vi phạm đến cả quyền con người

Hàng nghìn văn bản trái pháp luật

Kết quả kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương năm 2017 cho thấy có 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm: 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Trong khi đó, việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp (do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thực hiện) đã phát hiện 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm: 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chia theo lĩnh vực, có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (10 văn bản của bộ, 75 văn bản của địa phương); có 29 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực khoa giáo – văn xã (10 văn bản của bộ, 19 văn bản của địa phương); 43 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực nội chính (6 văn bản của bộ, 37 văn bản của địa phương)

Như vậy “văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế”, báo cáo của Bộ Tư pháp nhận xét.

Hậu quả nặng nề

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản trái pháp luật để lại rất nhiều hậu quả. Cụ thể, các văn bản trái pháp luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; ảnh hưởng đến trật tự, kỷ cương trong ban hành, thi hành văn bản quy phạm pháp luật; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.

Các văn bản trái pháp luật cũng sẽ cản trở sự phát triển; ảnh hưởng xấu đến các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế.

“Nhìn chung, văn bản trái pháp luật thường có tác động tiêu cực đa chiều, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, Bộ Tư pháp nhận định.

Bộ Tư pháp cho rằng các tác động tiêu cực của các văn bản trái pháp luật sẽ còn nặng nề hơn trong bối cảnh pháp luật hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, từ đó làm gia tăng bức xúc trong dư luận.

Chẳng hạn, một số văn bản có nội dung hạn chế quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền; quy định thêm cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của doanh nghiệp…

Một số văn bản của địa phương có nội dung hạn chế quyền và cơ hội được làm việc của người lao động như: quy định điều kiện về hộ khẩu, phân biệt bằng cấp, giới hạn tuổi tác không đúng quy định…

Một số văn bản của địa phương thậm chí còn đặt thêm nghĩa vụ hoặc cấm đoán người dân thực hiện các hành vi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo hộ như: đặt thêm nghĩa vụ hoặc hạn chế quyền khi tổ chức việc cưới, việc tang; phát sinh nghĩa vụ nộp thuế…

Đi xa hơn, Bộ Tư pháp cũng cho rằng các văn bản trái pháp luật có thể là nguồn cơn của những vụ kiện cơ quan nhà nước Việt Nam tại các thiết chế giải quyết trong nước và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Đó là chưa kể các văn bản trái pháp luật còn khiến nhà nước thêm tốn kém kinh phí cho hoạt động rà soát, sửa chữa, đính chính…

Với một loạt hậu quả như trên, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan có liên quan khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thực tiễn.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương, Bộ Tư pháp kiến nghị các bên cần khẩn trương thực hiện việc xử lý văn bản trái pháp luật ngay sau khi nhận được kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các đơn vị nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Song song với đó là củng cố, phát huy vai trò của tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan tư pháp địa phương…

Tin mới lên