Tài chính

718.383 đối tượng nợ thuế không có khả năng thu hồi

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa báo cáo Quốc hội về con số nợ thuế hiện tại, một trong những áp lực đáng kể đối với việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách.

718.383 đối tượng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Hơn 700.000 đối tượng nợ thuế không có khả năng thu hồi. (Ảnh minh họa)

Trả lời chất vấn tại Quốc hội liên quan tới con số nợ, giải pháp thu hồi nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình thu hồi nợ thuế đã có chuyển biến tích cực tuy nhiên tổng số nợ vẫn lớn, chủ yếu là do nợ không có khả năng thu hồi.

Theo Bộ trưởng, số thu hồi nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. Bình quân của giai đoạn 2011 - 2016, số thu nợ thuế đạt trung bình 81% trên tổng số nợ có khả năng thu hồi. Tốc độ tăng bình quân thu nợ thuế các năm là 16,3%.

Cụ thể: năm 2011 thu được 20.036 tỷ đồng, đạt 85,5% số tiền nợ thuế tại thời điểm 31/12/2010; năm 2012 thu được 22.751 tỷ đồng, đạt 83%; năm 2013 thu được 27.000 tỷ đồng, đạt 66,3%; năm 2014 thu được 31.920 tỷ đồng, đạt 76%; năm 2015 thu được 37.582 tỷ đồng, đạt 80%; năm 2016 thu được 42.543 tỷ đồng, đạt 77%; và tính chung 10 tháng đầu năm 2017 thu được 39.894 tỷ đồng, đạt 81%.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu NSNN có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2015 tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu NSNN là 7,7%; năm 2016 là 6,7%; và tính đến 31/10/2017 là 6,1%. Tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu nội địa cũng có chiều hướng giảm khi năm 2014 là 12,4%; năm 2016 là 8,5% và tính đến nay giảm còn 7,9%.

Đối với việc thu hồi số nợ thuế trên, Bộ trưởng cho hay tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi (đến 90 ngày và trên 90 ngày) so với tổng thu nội địa giảm, so với năm 2015 là 7,7%, năm 2016 là 5,6%, tính từ 31/12/2016 đến 31/10/2017 giảm còn 4,9%.

"Đúng như đại biểu nói, tổng số tiền nợ thuế tính đến nay là 73.930 tỷ đồng, giảm có 0,4%. Tuy nhiên, trong con số này, tiền nợ thuế có khả năng thu hồi là 27.648 tỷ đồng, bằng 37,4%, giảm 10% so với 31/12/2016. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp 18.061 tỷ đồng, chiếm 24,4%, tăng 0,7% so với 31/12/2016. Tiền nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, tự giải thể, phá sản, tự ngừng nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh là 28.221 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng số tiền nợ thuế, tăng 10,9% so với 31/12/2016", Bộ trưởng cho biết.

Đối với nợ thuế không còn khả năng thu hồi, tính đến 31/10/2017, số người nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng thu hồi là 718.383 đối tượng, trong đó: 209.436 doanh nghiệp và 508.947 hộ, cá nhân. "Đây là số đối tượng nộp thuế rất lớn, nhưng vẫn nằm trên sổ nợ thuế, vẫn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc", Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá, để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xử lý khoản nợ đọng thuế không còn khả năng thu. "Nếu chúng ta xử lý được là một điều tốt, số nợ đọng trên sổ sách sẽ giảm đi", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cục thuế, tăng cường kiểm tra kiểm soát, đôn đốc thu nợ, tiếp tục rà soát phân loại nợ, theo dõi chặt chẽ các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ các thông báo...

Tin mới lên