Tài chính tiêu dùng

72% công ty Fintech muốn hợp tác, nhưng vẫn có 14% muốn cạnh tranh với ngân hàng

(VNF) - Theo nghiên cứu nhanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2018, 72% công ty Fintech đang lựa chọn việc hợp tác với các ngân hàng, trong khi 14% quyết định chọn cạnh tranh với ngân hàng, và 14% còn lại chọn phát triển sản phẩm hoàn toàn mới. 

72% công ty Fintech muốn hợp tác, nhưng vẫn có 14% muốn cạnh tranh với ngân hàng

72% công ty Fintech muốn hợp tác, nhưng vẫn có 14% muốn cạnh tranh với ngân hàng. (Ảnh minh hoạ)

Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng" diễn ra mới đây cho hay, tính tới 30/5/2018, số công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng lên 80 công ty.

Các công ty Fintech và ngân hàng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng biệt, do vậy, xu hướng hợp tác bổ trợ cho nhau để cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính có chất lượng trở nên vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu nhanh của NHNN (2018), 72% công ty Fintech đang lựa chọn việc hợp tác với các ngân hàng, trong khi 14% quyết định chọn cạnh tranh với ngân hàng và 14% còn lại chọn phát triển sản phẩm hoàn toàn mới. 

"Tại Việt Nam hiện nay, 72% công ty Fintech lựa chọn hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ thay vì cạnh tranh trực diện", ông Lê Anh Dũng, Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ tại Hội thảo.

Theo ông Dũng, hệ thống ngân hàng hiện chậm thay đổi, thiếu linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, dẫn tới chi phí giao dịch thường cao và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông Dũng cũng cho hay Fintech thiếu kinh nghiệm hoạt động tài chính ngân hàng, thiếu vốn và nền tảng khách hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ, quản lý rủi ro còn thiếu hụt. Trong khi đó, ngân hàng lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán bài bản và khuôn khổ quản lí rủi ro vững mạnh.

Do đó, “việc hợp tác giữa ngân hàng với Fintech được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng”, ông nhấn mạnh.

GS John Wong, Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam cho hay nếu sử dụng Fintech, chi phí ngân hàng sẽ giảm xuống 80% thông qua việc giảm chi nhánh, nhân sự và hệ thống ATM. Khi đó, một chiếc điện thoại thông minh sẽ đóng vai trò là thẻ Visa, Mastercard, ATM…

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, sự xuất hiện của Fintech đã có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, những công ty này đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị ở các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh đó, các Fintech cũng khiến các ngân hàng thay đổi hoàn toàn kênh phân phối theo hướng số hóa, đa kênh đồng nhất (Omni- Chanel), đòi hỏi tái thiết kế các sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm.

Đồng hành với đó, sự xuất hiện của Fintech khiến rủi ro an ninh mạng trở nên lớn và thường trực hơn do sự phát triển vô vàn các kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp. Nó cũng khiến các hạ tầng thị trường tài chính, trong đó có hệ thống thanh toán cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (Big Data, A.I, Blockchain...).

Đặc biệt, nguồn nhân lực ngành ngân hàng - tài chính phải thay đổi theo hướng tinh gọn, có kỹ năng số và tinh thông nghiệp vụ. Như vậy, một số lượng lớn nhân viên trong ngành ngân hàng có nguy cơ thất nghiệp.

Nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của Fintech, ông Lê Anh Dũng ủng hộ sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech nhằm tạo ra sức mạnh “cộng hưởng”, tạo ra xung lực phát triển mới của ngành ngân hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, và góp phần phổ cập tài chính.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Fintech cũng đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý giữa thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, duy trì ổn định của hệ thống tài chính.

“Hai thách thức lớn nhất là là an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu người dùng”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng chỉ ra 3 thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong việc triển khai hệ thống ngân hàng số, đó là: môi trường pháp lý; nguồn vốn, nhân lực và quản trị rủi ro.

Theo ông Thắng, quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý không theo kịp công nghệ mới nên hạn chế và làm chậm phát triển ứng dụng công nghệ cao và ngân hàng số. Điều này có thể gây nên rủi ro pháp lý cho các ngân hàng và công ty Fintech khi triển khai các ứng dụng công nghệ cao.

Tin mới lên