Tiêu điểm

95% doanh nghiệp hài lòng về hệ thống thông quan điện tử

(VNF) - Đây là kết quả khảo sát của Cục Giám sát quản lý về hải quan báo cáo tại "Hội nghị tham vấn doanh nghiệp: Đánh giá 18 tháng thực hiện hệ thống thông quan điện tử VNACCS" do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội.

95% doanh nghiệp hài lòng về hệ thống thông quan điện tử

Hệ thống thông quan điện tử có thể giúp tiết giảm thời gian và chi phí cho cả hải quan lẫn doanh nghiệp

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thuộc Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS/VICIS).

Đã áp dụng 100% tại các chi cục hải quan

Chính thức vận hành từ 1/4/2014, cho đến 30/6/2014, đã có 100% các chi cục hải quan trên toàn quốc chính thức thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VICIS, đưa thủ tục hải quan điện tử trở thành một phương thức thực hiện thủ tục hải quan chủ yếu, thay thế cho phương thức thực hiện thủ công trên giấy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Makoto Kaito, Tư vấn trưởng chuyên gia JICA tại Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho biết, ở Việt Nam hệ thống này đã được triển khai 100% Chi cục hải quan, trong khi đó tại Nhật Bản dù được triển khai trước rất nhiều nhưng việc sử dụng chỉ đạt khoảng 90%.

Qua tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS từ ngày 1/4/2015 đến nay, bà Đào Thị Thu Thủy, đại diện Cục giám sát Hải quan cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hệ thống thông quan tự động này.

Hệ thống hỗ trợ người khai hải quan tối đa trong khâu khai báo tự động như bổ sung thuế suất, tỷ giá tính thuế, tự động tính toán giá trị tính thuế, số thuế phải nộp, tự động cảnh báo những tiêu chí khai chưa chính xác.

Hệ thống cũng tự động kiểm tra, cấp số, phân luồng tờ khai 24/7 nên người khai có thể thực hiện khai báo ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và nhận được phản hồi ngay.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, hệ thống này giúp tăng tính chính sách cao khi khai báo, tăng tính chủ động, giảm thời gian thông quan. Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Giảm chi phí hàng chục ngàn USD/tháng

Bà Đào Thị Thu Thủy đã đưa ra một ví dụ minh chứng của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (là một công ty 100% vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất xuất khẩu máy in, máy fax). Đại diện Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam đã cho biết, kể từ khi áp dụng VNACCS, công ty đã có thêm rất nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan.

Với số lượng tờ khai lớn, tính ra số thời gian mà công ty này cắt giảm được lên đến 6.213 phút/tháng (tương đương 100 giờ/tháng). Theo tính toán của Brother, với những tiện ích như trên Hệ thống VNACCS/VICIS mang lại đã giúp công ty tiết kiệm số tiền 12.660 USD/tháng.

Ngoài ra, TCHQ đã tổ chức một cuộc khảo sát nhanh với quy mô 500 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau trên toàn quốc và và thu về 308 phiếu khảo sát hợp lệ với kết quả như sau:

Về tốc độ phản hồi thông tin, 18% doanh nghiệp rất hài lòng, 79% hài lòng và chỉ có 3% không hài lòng.

Hầu hết lý do chưa hài lòng đều là việc phản hồi mã vạch của danh sách container còn chậm, việc khai báo nhiều khi bị lỗi,…Tuy nhiên, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt tốc độ phản hồi của hệ thống với tỷ lệ 97% hài lòng.

Đánh giá chung về hệ thống, có 12% doanh nghiệp rất hài lòng, 83% hài lòng và chỉ 5% chưa hài lòng.

Lý do chưa hài lòng là do các tiêu chí khai báo gặp nhiều hạn chế không phản ánh đúng thông tin cần khai báo như giới hạn số lượng lý tự tại các chỉ tiêu số lượng, trị giá; một tờ khai chỉ cho phép khai báo 50 dòng hàng dẫn đến lô hàng lớn phải khai nhiều tờ khai, hệ thống không thể kết nối từ file HYS sang hệ thống cấp mã vạch, việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ thường phải chờ khá lâu,…gây trở ngại cho việc thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp.

Về tổng thể, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Hệ thống VNACCS/VCIS với tỷ lệ hài lòng là 95%.

Sẽ tăng kết nối liên bộ

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Giám sát và quản lý hải quan cũng cho biết: "Qua việc tốc độ phản hồi nhanh, tính ổn định của hệ thống, các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, tiết kiệm được chi phí và thời gian nhân công và nhân lực, nâng cao tư thế cạnh tranh. Việc này cũng góp phần vào thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ liên quan đến cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp".

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, trên cơ sở thu thập ý kiến từ các tổ chức bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp về những bất cập khi sử dụng hệ thống, TCHQ sẽ kiến nghị lên cơ quan hải quan và Chính phủ Nhật Bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cấp, cải thiện, cũng như xây dựng thêm một số tính năng để đáp ứng được kỳ vọng từ phía doanh nghiệp.

Đồng thời, nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả VNACCS/VCIS trong bối cảnh việc thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay sẽ thúc đẩy lượng lưu thông hàng hoá lớn, TCHQ sẽ tiếp tục hoàn thiện kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối các bộ ngành để tự động hóa việc cập nhật thông tin các giấy phép trên hệ thống.

Hiện nay, TCHQ cũng đang triển khai kết nối với một loạt các bộ ngành bao gồm: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng và cả Bộ Công an nhằm kết nối các chương trình cấp phép với hệ thống thông quan điện tử.

Với cơ chế này, doanh nghiệp sẽ giảm được đáng kể thời gian thông quan.

Ông Makoto Kaito cũng cho biết,việc cải thiện hệ thống thông quan điện tử sẽ tác động trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay khi Việt Nam sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP mà Nhật Bản cũng là một trong 12 thành viên. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các thủ tục hải quan để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tin mới lên