Tài chính quốc tế

Ả Rập Xê Út muốn hỗ trợ giá dầu nhưng bác đề xuất cắt giảm sản lượng

(VNF) - Kênh truyền hình Al Arabiya có trụ sở tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE) dẫn nguồn tin cho biết Ả Rập Xê Út muốn hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác về việc hỗ trợ giá dầu.

Ả Rập Xê Út muốn hỗ trợ giá dầu nhưng bác đề xuất cắt giảm sản lượng

Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho hay Ả Rập Xê Út không đưa ra đề xuất các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cùng cắt giảm 5% sản lượng dầu như Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã nói trước giới truyền thông hôm 29/1. 

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng phát biểu trước truyền thông sẽ có một cuộc họp giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia ngoài OPEC, và rằng Nga đã sẵn sàng cho cuộc họp này. Qua đó, làm dấy lên dự báo về việc OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ hợp tác để cắt giảm sản lượng, khiến giá giàu tăng liên tiếp trong những ngày qua.

Cho tới nay, các thành viên khác trong OPEC đang gây áp lực lên Ả Rập Xê Út, thành viên chủ chốt của OPEC và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, để quốc gia này cắt giảm sản lượng dầu Tuy nhiên, cường quốc dầu mỏ này vẫn tiếp tục kiên định chiến lược bơm dầu ra thị trường để giữ thị phần và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh như các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, mặc dù giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Thông tin Ả Rập Xê Út đề xuất các nước sản xuất dầu cắt giảm 5% sản lượng đã trở thành đòn bẩy, giúp giá dầu bật tăng. Giá dầu Brent giao tháng 3 đóng cửa ngày thứ Sáu tuần trước ở mức 34,74 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%. Vào ngày 20/1, dầu Brent chạm mức 27,10 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2003. Dầu thô Mỹ WTI tăng 1,2% tại 33,62 USD/thùng. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này của Nga và một số phương tiện truyền thông khác cũng cho biết Ả Rập Xê Út phủ nhận đề nghị cắt giảm sản lượng 5%. Trưởng bộ phận giám sát chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), ông Jason Bordoff, cho rằng đây có thể là hành động thăm dò từ phía Nga, xem thái độ của các nước thành viên OPEC đối với việc cắt giảm sản lượng như thế nào.

Hôm 30/1, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Adel Abdul Mahdi tuyên bố: "Iraq sẽ nhất trí và hợp tác cắt giảm sản lượng nếu nhà sản xuất khác thực sự muốn hợp tác để làm như vậy".

Hãng truyền thông Arabiya cũng đưa tin hôm 30/1 rằng Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino đã đề xuất một cuộc họp vào tháng 2 của các nhà sản xuất dầu để thảo luận về kế hoạch bình ổn giá dầu. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Eulogio del Pino sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục Nga và Ả Rập Xê Út hợp tác cắt giảm sản lượng dầu. 

Sản lượng đầu ra của OPEC tăng lên 33.110.000 thùng/ngày trong tháng 1/2016 khi Iran bơm thêm 60.000 thùng một ngày, theo số liệu mới nhất của Bloomberg. Giá dầu tiếp tục quay đà giảm sau thông tin phủ nhận đề xuất cắt giảm sản lượng này từ thành viên OPEC.

Tin mới lên