Ngân hàng

Agribank nợ xấu trên 73.000 tỷ, SCB dẫn đầu về lợi nhuận không chắc chắn

(VNF) – Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết ngày 31/12/2015, nợ xấu Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ. Trong khi đó, SCB dẫn đầu về lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại (lợi nhuận tạo ra từ doanh thu không chắc chắn) với 21.477 tỷ đồng.

Agribank nợ xấu trên 73.000 tỷ, SCB dẫn đầu về lợi nhuận không chắc chắn

Ảnh minh họa

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2016, trong đó có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, Hệ thống CNTT liên quan đến lập BCTC của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.

Nợ xấu Agribank trên 73.000 tỷ

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015, thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã đảm bảo thanh khoản ổn định cho các TCTD và hỗ trợ mục tiêu ổn định tỷ giá; chính sách tín dụng đã định hướng tập trung ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 17,26%, cao hơn mức tăng trưởng định hướng (khoảng 13%-15%).

Lãi suất cho vay trung và dài hạn năm 2015 đã giảm 0,2-0,5%/năm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (giảm 1%-1,5%/năm); tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao.

Cụ thể, nợ xấu của hệ thống TCTD đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ; nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, Agribank để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,5 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng. Đến 31/12/2015, có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Thêm vào đó, hầu hết các chi nhánh Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay).

Agribank

Nợ xấu Agribank lên đến 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ

Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các TCTD bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp ; việc cân đối vốn của NHCSXH rất khó khăn, trong đó nhiều khoản vay từ Kho bạc Nhà nước, NHNN phải gia hạn hoặc khoanh nợ.

Công tác hạch toán kế toán của một số đơn vị còn sai sót như: Agribank trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.848,7 tỷ đồng; Vietcombank chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng; từ năm 2001 đến nay, chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.

SCB dẫn đầu về lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn

Về thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, theo Kiểm toán Nhà nước, hệ thống các TCTD bước đầu đã được cơ cấu lại, NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém; tình trạng tài chính và năng lực hoạt động của các TCTD bước đầu đã được củng cố và lành mạnh hóa; mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm đáng kể...

Tuy nhiên, một số TCTD chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu; cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; hoạt động của các TCTD còn nhiều tồn tại và tiềm ẩn rủi ro.

Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2015 theo báo cáo của NHNN là 2,55%; tỷ lệ nợ xấu tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 8,85%.

Thứ hai, việc xử lý nợ xấu chưa hiệu quả; còn một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt hoặc tình hình tài chính rất yếu kém, bao gồm: 03 ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng (CBBank, GPBank, OceanBank), NHTM Đông Á, Công ty Tài chính Cổ phần Handico, Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy, Công ty Cho thuê tài chính công nghiệp Tàu thủy, Công ty cho thuê tài chính ALC II.

GPBank

Ngân hàng 0 đồng là điểm nhấn tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015

Thứ ba, nhiều ngân hàng thương mại tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp, tiêu biểu là ACB, Eximbank, Sacombank, CBBank, GPBank, OceanBank.

Thứ tư, một số TCTD trong thời gian tái cơ cấu chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng (Agribank, Maritime Bank).

Thứ năm, nhiều TCTD đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn (lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại). Cụ thể, tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là 21.477 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) 6.684 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đại Chúng (VIB) 4.990 tỷ đồng, Vietinbank 4.280 tỷ đồng, BIDV 1.263 tỷ đồng, Agribank 1.272 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng còn khó khăn và không hoàn thành mục tiêu theo Đề án; tình trạng sở hữu chéo vẫn còn và khó kiểm soát.

Tin mới lên