Tài chính

Ai chi 2 tỷ USD mua cổ phần Sabeco?

Dù được ví là "cô gái đẹp, nhưng mãi không chịu lấy chồng", dù rất nhiều DN muốn làm "chồng", nhất lại là "chồng" ngoại. Điều này càng rõ ràng hơn khi DN này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải thoái vốn nhà nước trong năm nay.

Ai chi 2 tỷ USD mua cổ phần Sabeco?

Ảnh minh họa.

Vậy có đúng Sabeco "đắt chồng" như đồn đại? Liệu đối tác nào đủ khả năng về vốn liếng nắm quyền chi phối khi DN này thoái vốn, mà theo dự tính có quy mô hơn 2,4 tỷ USD?

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng vọt

Theo báo cáo đã công bố, trong 6 tháng năm 2016, doanh thu của Sabeco tăng mạnh từ 1.631 tỷ đồng lên 11.682 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ đạt 1.972 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản Sabeco đạt 18.131 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền mặt chiếm 8.357 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng) chiếm 1.165 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn gần 4.100 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản đầu tư vào ngân hàng TMCP Phương Đông (217 tỷ đồng) và ngân hàng TMCP Đông Á (136 tỷ đồng) đang khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng nhiều nhất với giá trị lần lượt 159 tỷ đồng và 111 tỷ đồng. Ngoài ra, Sabeco hiện còn nắm giữ 0,47% cổ phần tại Eximbank.

Tranh nhau sở hữu cổ phần

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco cùng 11 DNNN lớn khác cho thấy, sức nóng "thâu tóm", sở hữu doanh nghiệp này lại tiếp tục tăng nhiệt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã thông báo dự kiến bán toàn bộ 89,59% cổ phần nhà nước tại Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD. Theo ông Lê Hồng Xanh – Phó TGĐ Sabeco, doanh nghiệp không chú trọng đối tác là DN trong nước hay nước ngoài, mà quan tâm là ai sẽ trả giá cao nhất.

Ngay lập tức, hai hãng đồ uống lớn của Thái Lan là Singha và Thai Beverage đã đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Sabeco. Trong khi đó, DN trong nước là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đang nằm trong danh sách nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra còn đại diện của Asahia, AB InBev, Kirin, Heineken.Thực tế, không phải đến bây giờ các DN này mới "xếp hàng" để được mua cổ phần của Sabeco.

Theo giới phân tích, điều này không có gì lạ bởi VN được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn trên thế giới và Sabeco được đánh giá là "miếng ngon béo bở", đang thống lĩnh thị trường bia VN với việc chiếm lĩnh 45% thị phần.

Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên viên kiểm toán AVA, cho biết, việc mua cổ phần Sabeco sẽ cho phép các đối tác nước ngoài tham gia thị trường ngay bởi chi phí để thâm nhập thị trường bia VN quá cao và tốn nhiều thời gian. Mặt khác, việc tham gia vốn vào Sabeco còn giúp các đối tác này tham gia sở hữu khoảng 20 nhà máy tại nhiều tỉnh, thành đang hoạt động với công suất đạt khoảng 1,8 tỷ lít.

Đối tác, nhà đầu tư nào sẽ trở thành cổ đông của Sabeco hiện giờ vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Sabeco với giá trị là một thương hiệu và quy mô tài sản lớn thì khó tìm được một DN tư nhân trong nước có đủ tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm để trở thành cổ đông chiến lược.

Đối tác nào đủ tiềm lực nắm quyền chi phối?

Nhiều thông tin cho biết, nếu Heineken nắm được quyền chi phối Sabeco, hãng bia Hà Lan này sẽ nắm trong tay trên 60% thị phần bia VN, bỏ xa so với các đối thủ còn lại như Habeco hay Carlsberg.

Theo Bộ Công thương – đại diện phần vốn góp nhà nước hiện nắm giữ 89,59% cổ phần Sabeco đã đề xuất thoái vốn làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ chào bán 53,59% vốn trong năm 2016 và 36% vốn còn lại sẽ được thoái trong năm 2017 sau khi Sabeco hoàn tất việc niêm yết trên TTCK.

Nếu tính theo mức giá giao dịch trên thị trường OTC hiện nay vào khoảng 80.000 đồng/cp thì có thể ước tính giá trị của Sabeco vào khoảng 51.300 tỷ đồng (2,4 tỷ USD) và quy mô thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco đạt tối thiểu 46.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Với quy mô thoái vốn lớn như vậy, khó có thể kỳ vọng đối tác mua cổ phần sẽ là các nhà đầu tư trong nước, dù rằng Sabeco thực sự là "món hàng" hấp dẫn. Thay vào đó, các đối tác ngoại sẽ phù hợp hơn trong thương vụ thoái vốn lịch sử lớn nhất thị trường này.

Mặc dù nhiều đối tác nhòm ngó, nhưng Heineken có lẽ là cổ đông "sáng" nhất. Theo báo cáo của Heineken toàn cầu, tập đoàn bia khổng lồ này đạt lợi nhuận ròng 1,89 tỷ EURO trong năm 2015, tăng 25% so với năm trước và thị trường Đông Nam Á, đặc biệt VN đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của Heineken

Hiện tại, Heineken đang nắm giữ 60% cổ phần tại Công ty TNHH Heineken VN (tiền thân là Công ty TNHH nhà máy bia VN – VBL) và 5% cổ phần tại Sabeco. Số liệu của Bloomberg cho biết, hơn 80% thị phần bia VN hiện nằm trong tay của 3 DN là Sabeco, Heineken và Habeco. Trong đó, riêng Sabeco chiếm hơn 40% thị phần và Heineken nắm giữ 20% thị phần.

Trong khi Sabeco đang dẫn đầu thị trường ở phân khúc phổ thông thì Heineken cũng gần như không có đối thủ ở phân khúc cao cấp. Điều này phần nào có thể lý giải vì sao lợi nhuận Sabeco thường bị Heineken bỏ xa dù thị phần vượt trội.

Với tỷ lệ nắm giữ 5% vốn cổ phần của Sabeco hiện nay, nhiều chuyên gia khẳng định Heineken sẽ không từ bỏ tham vọng tiếp tục gia tăng sở hữu tại DN đang nắm giữ phần lớn thị phần bia tại VN. Giả sử, nếu Heineken dành chiến thắng trong cuộc đua sở hữu Sabeco thì hãng này sẽ chi phối tới 60% thị phần bia VN và thống lĩnh trên mọi phân khúc từ bình dân tới cao cấp.

Năm 2015, VN đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về mức tiêu thụ bia và đứng thứ 3 châu Á. Điều này càng khiến những "đại gia" như Heineken đặc biệt quan tâm tới Sabeco. Do đó, sẽ không bất ngờ nếu Heineken chấp nhận "bạo chi" hơn con số 2 tỷ USD để mua cổ phần khi Sabeco thoái vốn. Tuy nhiên, tất cả những thông tin này cũng chỉ là lời đồn đại. Vậy đại gia nào dám bỏ ra 2 tỷ USD để sở hữu cổ phần của Sabeco, chúng ta hãy chờ đợi…

Tin mới lên