Tài chính quốc tế

AIIB sẽ là "World Bank" mới?

(VNF) - NYTimes mới đây đã có bài viết chỉ ra rằng việc thiết lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) như một tham vọng xây dựng "World Bank" của Trung Quốc sẽ thách thức vị thế của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu.

AIIB sẽ là "World Bank" mới?

Tháng 10/2013, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali (Indonesia), trong cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã thông báo chính thức việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Ông Tập đã mô tả tầm nhìn chiến lược về một ngân hàng đa quốc gia với số vốn ban đầu 100 tỷ USD để tài trợ cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như giao thông, đường sắt, mạng lưới điện trên toàn châu Á.

Dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc, ngân hàng này sẽ giải quyết những vấn đề chậm phát triển ở các nước nghèo nhằm mục tiêu đưa châu Á trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới.

Tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry đã bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình và khen ngợi "Đó là một ý tưởng tuyệt vời", NYTimes cho biết.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình kéo dài không lâu khi chính quyền Obama đã bắt đầu một trận chiến phía sau để giảm thiểu sức ảnh hưởng của Ngân hàng AIIB do Trung Quốc hậu thuẫn.

Vào giữa tháng 4/2015, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz đã phát biểu: "Chúng tôi sẽ không có bất kì ý định nào về việc gia nhập AIIB, và tôi thấy rằng không có lý do gì để chúng tôi tham gia cả". 

Mỹ đã lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng AIIB để thiết lập trật tự mới cho thị trường tài chính toàn cầu với những quy tắc do Trung Quốc lập ra.

Washington đã tuyên bố chính thức không ủng hộ định chế tài chính nào không đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiêu chuẩn nhân quyền,... như cách Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang làm hiện tại.

Tuy nhiên, Mỹ đã phải chịu một đòn ngoại giao bất ngờ khi vào mùa xuân năm ngoái, hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Mỹ đã ký kết gia nhập AIIB, trong đó có Anh, Đức, Australia và Hàn Quốc. 

Các lãnh đạo của WB và IMF cũng tuyên bố về vấn đề sẵn sàng làm việc với AIIB trên tinh thần xây dựng đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở các quốc gia. Những tuyên bố mang tính ngoại giao này đã khiến các chính khách Mỹ khó chịu.

Cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Jacob Lew cho rằng, sự phát trển của của AIIB đặt ra một câu hỏi lớn cho sự tồn tại hợp pháp của IMF và WB.

Việc Tokyo không tham gia vào AIIB được một số các chuyên gia tài chính cho rằng, AIIB ở châu Á sẽ cạnh tranh trực tiếp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đó Nhật Bản giữ vai trò đứng đầu. ADB thành lập vào năm 1966 và có vốn đăng ký là 50 tỷ USD, hiện có 48 thành viên khu vực (châu Á) và 19 thành viên ngoài khu vực, trong số đó có Mỹ.

Thậm chí, có nhiều nhận định cho rằng, mô hình AIIB của Trung Quốc sẽ thách thức sự tồn tại của hệ thống Bretton Woods với hai định chế tài chính WB và IMF do Mỹ thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai để giúp ổn định tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. 

Bắc Kinh đã từng chỉ trích WB và ADB chậm đáp ứng các yêu cầu về phát triển của các nước. Các quan chức Bắc Kinh cho rằng AIIB sẽ thúc đẩy việc phê duyệt nguồn vốn cho các dự án nhanh hơn so với các đối tác tại WB, IMF và ADB. 

Ngày 12/5/2015, Financial Times có đăng bài của Sargon Nisan, Giám đốc kinh doanh của IMF cho rằng sự ra đời của AIIB đang thách thức và phá vỡ Hệ thống Bretton Woods đã hoạt động 70 năm, thậm chí đang viết "cáo phó" đối với WB. 

Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có tiếng nói mạnh mẽ trong những quyết định quan trọng của IMF mặc dù đã cung cấp một ngân sách đáng kể cho hoạt động của tổ chức này.

Nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc cảm thấy không thể làm được bất cứ việc gì ở WB hay IMF nên muốn thiết lập một ngân hàng thế giới riêng mà Trung Quốc có quyền kiểm soát. AIIB có chức năng hoạt động tương tự như WB nhưng các điều kiện mở rộng hơn đồng thời cũng xây dựng quỹ tiền tệ tương tự như IMF. 

Thep tính toán của ADB, nhu cầu phát triển về hạ tầng của châu Á sẽ là 8.000 tỷ USD từ năm 2010 - 2020, như vậy, trung bình mỗi năm khu vực cần khoảng 800 tỷ USD, trong khi số vốn của ADB hiện khoảng 167 tỷ USD và tiền cho vay đầu tư hạ tầng hằng năm chỉ khoảng 10 tỷ USD nên phát triển hạ tầng là một mảng mà AIIB có thể tham gia.

Tháng 6/2015, đại diện 56 quốc gia thành viên sáng lập (trong đó có Việt Nam) đã tham gia lễ ký kết các điều khoản thỏa thuận của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Á châu (AIIB). Một bất ngờ lớn là lễ ký kết có sự tham gia của các quốc gia như Iran và Israel, Nga và Ba Lan, một số đối tác thân cận của Mỹ.

Chính quyền Obama cũng đã nbắt đầu làm mềm lập trường của mình. Ba tháng sau khi lễ ký kết diễn ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc diện kiến với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo đó, Tổng thống Obama đã kêu gọi các tổ chức ngân hàng hợp tác với AIIB. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ quan điểm không tham gia vào AIIB.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với cơ chế mới nhanh, thoáng và không có những ràng buộc nặng nề theo kiểu chính sách thắt lưng buộc bụng của IMF, đồng nhân dân tệ với những khoản đầu tư của AIIB sẽ nhanh chóng đánh chiếm nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế ngoài châu Á như châu Âu, đặc biệt là Đông Âu.

Theo NYTimes, Trung Quốc, với nguồn lực tài chính hùng mạnh, giờ đây sẽ là đối thủ của Mỹ trên bàn cờ kinh tế toàn cầu. Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ khi vừa qua khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã chính thức chấp thuận cho phép đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gia nhập giỏ tiền tệ ưu tú nhất thế giới, cùng với đồng USD, Euro, bảng Anh và yên Nhật.

Tin mới lên