Tài chính quốc tế

AIIB và chuyện của EU & Mỹ

(VNF) - Ngày 17/3, các nước Anh, Pháp, Đức, Italia đã đồng ý tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Trong khi trước đó, Mỹ đã khuyên các đồng minh châu Âu không nên tham gia AIIB, do lo ngại ngân hàng mới này sẽ làm giảm các tiêu chuẩn cho vay liên quan đến môi trường, quyền lao động và minh bạch tài chính, giảm thiểu vai trò của WB và IMF.

AIIB và chuyện của EU & Mỹ

Nhân tố mới trên thị trường tài chính

Tại Hội nghị APEC 22 (11/2014), Trung Quốc đã đề xuất hai nội dung quan trọng: (1) Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và (2) "Con đường tơ lụa" thế kỷ XXI. Hưởng ứng đề xuất trên đã có 21 quốc gia châu Á ký Bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD. AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh với phần lớn vốn đầu tư ban đầu là của Trung Quốc.  

Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực và xây dựng "con đường tơ lụa" thế kỷ XXI nhằm đẩy mạnh kết nối nội khối và mở rộng thương mại khu vực với toàn cầu, bao gồm cả tuyến đường sắt từ Bắc Kinh đến tận Baghdad (Iraq).

Cho đến nay đã có 21 nước châu Á và 4 nước châu Âu đăng ký tham gia bao gồm: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam và Anh, Đức, Pháp, Italia.

AIIB với quy mô vốn 100 tỷ USD, tương đương 70% vốn của ADB (165 tỷ USD), tính chất và điều lệ của nó có thể đã đáp ứng được những nhu cầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của EU và phù hợp với chiến lược "hướng Đông" nên họ đã chấp nhận tham gia. Mặt khác, các nước châu Âu còn kỳ vọng vào AIIB sẽ đạt các tiêu chuẩn cao của WB và các tổ chức tài chính khác trong khu vực.

Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận. Mỹ đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch thành lập AIIB do lo ngại ngân hàng này có thể có tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo hơn, gây ảnh hưởng tới nỗ lực của các ngân hàng khác.

Khuôn mẫu cũ khó duy trì

Với các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu, đã quyết định gia nhập ngân hàng AIIB.  Khiến người ta lo ngại về sự thụt lùi trong những chính sách được gọi là lãnh đạo thế giới của Mỹ, nhất là chính sách của Tổng thống Obama đối với đồng minh EU. Vấn đề đặt ra là vì sao những nước đồng minh châu Âu của Mỹ lại đang có xu hướng gia nhập AIIB và không nghe theo lời khuyên của Mỹ?

Giới chuyên gia cho rằng, vai trò của cơ chế tài chính quốc tế hiện có như: IMF, WB, ADB… đều do Mỹ chi phối, không đáp ứng được nhu cầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Việc giải cứu các nước thành viên Eurozone trong những năm vừa qua đã cho thấy điều đó.

Với những yêu cầu khắt khe như "thắt lưng buộc bụng" và các đòi hỏi khác khiến các nước vay nợ khó bề đáp ứng. Phản ứng của Hy Lạp với bộ ba chủ nợ trong đó có IMF là một ví dụ điển hình. Mặt khác, từ lâu các nước đã có nhiều lần đề xuất chương trình cải cách quản lý, cải tổ các thế chế tài chính quốc tế để bảo đảm công bằng và bình đẳng hơn, nhưng chưa có bước tiến nào đáng kể.

Mặt khác, quan hệ của Mỹ - EU thông qua cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây rạn nứt ngay cả trong nội bộ của khối. Với sự lãnh đạo của Mỹ EU buộc phải hy sinh quá nhiều lợi ích, nhất là vấn đề trừng phạt kinh tế Nga, trong khi Mỹ lại không có hành động nào đáng kể để sớm đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng.

Vì thế, lần này vì lợi ích của mình, một số nước châu Âu đã không chấp nhận lời khuyên của Mỹ. Mặc dù Mỹ đang triển khai chiến lược "tăng cường trở lại châu Á-Thái Bình Dương", nhưng vẫn đang trong tình trạng "nói nhiều hơn làm". Trong bối cảnh châu Âu cũng đang có chính sách "hướng Đông", quan tâm hơn đến "thế kỷ châu Á", nên 4 nước chủ chốt châu Âu đã chọn tham gia AIIB, bất chấp lời khuyên từ Mỹ.

Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, Mỹ cũng sẽ không tham gia ngân hàng này, vì đây là ngân hàng do Trung Quốc đề xuất với tham vọng cạnh tranh với Mỹ trên thị trường tài chính, nhất là việc AIIB gắn với "con đường tơ lụa" thế kỷ XXI, mà theo đó Mỹ có thể bị đẩy xa hơn khỏi châu Á.

Đối thủ hay cạnh tranh?

Với câu hỏi, AIIB khi đi vào hoạt động liệu có trở thành "đối thủ" thực sự đối với các định chế tài chính lớn như WB, IMF, ADB hay nó chỉ phản ánh tính đa dạng của thị trường tài chính toàn cầu trong thế giới ngày nay.

Giới phân tích cho rằng Mỹ phản đối AIIB bởi Ngân hàng này sẽ là đối thủ của WB cũng như các định chế tài chính lớn khác do Mỹ lãnh đạo đồng thời Ngân hàng này sẽ giúp "đẩy" uy tín và vị thế của Trung Quốc lên cao.

Mỹ phản đối AIIB và "khuyên" các đồng minh hãy đứng ngoài AIIB là do các cơ chế tài chính quốc tế hiện có thực chất là "của" Mỹ và do Mỹ điều khiển, vì Mỹ là nước đóng góp vốn với tỷ lệ cao nhất nên họ có quyền chi phối. Nay có thêm AIIB thì đương nhiên IMF, WB, ADB… bị suy giảm quyền lực và còn là đối trọng, thậm chí đối thủ cạnh tranh không chỉ là trên thị trường tài chính mà cả trên chính trường địa – chiến lược, vì AIIB do Trung Quốc chi phối.

Và có thể nói thực chất đây là cuộc cạnh tranh địa - chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Mặt khác, trong tình huống ngày càng nhiều nước châu Âu tham gia AIID thì đương nhiên vai trò lãnh đạo châu Âu trên cơ sở kinh tế của Mỹ sẽ bị suy giảm đáng kể.

Trước các động thái từ các đồng minh châu Âu của Mỹ muốn tham gia ngân hàng do Trung Quốc đứng đầu. Các chuyên gia dự báo khả năng Mỹ sẽ phải lựa chọn giải pháp phản ứng phù hợp.

Đó là đưa ra lời khuyên, chứ khó có thể "ra đòn" cứng rắn, hay trừng phạt, vì các nước dẫn đầu EU tham gia AIIB cũng là những nước đầu tàu châu Âu về kinh tế như: Đức, Anh, Pháp, Italia…, Australia, Hàn Quốc và một số nước khác cũng đang bỏ ngỏ khả năng tham gia Ngân hàng này.

Giới chuyên gia dự báo có hai kịch bản có thể diễn ra: Một là, AIIB sẽ trở thành "đối thủ" thực sự của định chế tài chính đã có như IMF, WB, ADB… (nếu tổ chức này không chịu cải tổ). Bởi vì AIIB không chỉ có nhiệm vụ tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực mà còn gắn với "con đường tơ lụa" trong thế kỷ XXI, nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối và mở rộng thương mại khu vực với toàn cầu.

Mặc dù, giới phân tích cũng quan tâm đến "ẩn ý" mà Trung Quốc muốn thông qua "con đường tơ lụa" để hợp pháp hóa quan điểm sai trái về chủ quyền của họ. Đây là vấn đề không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang quan ngại.

Hai là,  Nếu các định chế kinh tế toàn cầu như WB, IMF… có sự cải tổ để minh bạch hóa và dân chủ hóa hơn, khi đó AIIB cũng giống như các định chế tài chính khu vực khác chỉ đóng vai trò đa dạng hóa trên thị trường tài chính mà thôi.

Như vậy, AIIB ra đời do Trung Quốc đề xướng, với tham vọng cạnh tranh với Mỹ trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng cũng là nhân tố mới phù hợp với nhu cầu khách quan trong quá trình cấu trúc an ninh toàn cầu đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ định hướng sang định hình. Vì thế, AIIB đang được giới nghiên cứu và hoạch định chính sách tài chính các nước quan tâm.

Tin mới lên