Tài chính quốc tế

Ấn Độ quyết mua ‘rồng lửa’ S-400 của Nga bất chấp những lời hăm dọa từ Mỹ

(VNF) - "Đàm phán S-400 đã diễn ra một thời gian rất dài và chúng tôi đã đi đến giai đoạn cuối cùng", tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 5/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman.

Ấn Độ quyết mua ‘rồng lửa’ S-400 của Nga bất chấp những lời hăm dọa từ Mỹ

Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400 Nga với tổng giá trị có thể lên tới 2,5 tỷ USD.

"Quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga đã trải qua một thời gian dài và đây là một mối quan hệ vượt qua thử thách thời gian. CAATSA (Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận) không thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman nhấn mạnh.

Bà Sitharaman cho biết thêm Ấn Độ mua nhiều khí tài từ Nga đồng thời tuyên bố quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga sẽ tiếp diễn.

Được biết, Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga với tổng giá trị có thể lên tới 2,5 tỷ USD. Hợp đồng này có thể sẽ được ký vào tháng 10 năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman.

CAATSA vốn được cho là đòn trừng phạt “hiếm có”, có tính toàn diện hơn so với các đạo luật trước đây nhắm vào Nga. Đạo luật này nhắm tới các đối tác có các hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí và thông tin tình báo với Nga.

Theo các nguồn tin chính thức, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ nêu vấn đề S-400 với Mỹ trong cuộc đàm phán 2-2 tại Washington vào tháng tới. Nga và Ấn Độ có thể sẽ thông báo hợp đồng S-400 trước cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 10 năm nay.

Trước đó, tờ The Economic Times ngày 30/5 đã dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry rằng Washington quan ngại sâu sắc về kế hoạch Ấn Độ đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga và hành động này có thể phương hại lớn tới các chương trình hợp tác kỹ thuật-quân sự Mỹ-Ấn.

"Tôi e ngại rằng việc mua công nghệ đó (S-400 của Nga) sẽ làm hạn chế mức độ mà Mỹ cảm thấy thoải mái để cung cấp thêm công nghệ cho bất kỳ nước nào mà chúng tôi đang nói đến”, ông Thornberry tuyên bố.

“Chính giới Mỹ, từ quốc hội cho tới chính phủ đều tỏ ra đặc biệt lo lắng về các thương vụ tổ hợp tên lửa S-400, không chỉ của Ấn Độ mà còn của nhiều quốc gia khác”, ông nói thêm.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry.

Nga và Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ đối tác thân thiết. New Delhi từng là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% trong tổng số vũ khí hạng nặng của cường quốc châu Á.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự nổi lên của Trung Quốc và cuộc cải cách kinh tế ở Ấn Độ, Washington và New Delhi đã bắt đầu tăng cường hợp tác song phương. Trên thực tế, mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ đang phát triển mạnh mẽ là vì hai nước này đều tìm cách đối trọng với sự nổi lên ngày một đáng lo ngại của Bắc Kinh.

S-400  có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km và cao 40–50 km.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ mua S-400 của Nga có nguy cơ đe dọa làm phương hại đến mối quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và Ấn Độ. Điều đáng nói là New Delhi cho thấy họ không có ý định từ bỏ mối quan hệ lâu dài, bền chặt với điện Kremlin.

Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất đang bị Mỹ gây sức ép khi mua S-400 của Nga. Các nghị sĩ Mỹ cũng đang dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tìm cách cấm chuyển F-35 cho nước này nếu Ankara xúc tiến thỏa thuận mua S-400 của Nga.

Các nguồn tin gần đây tiết lộ một loạt đồng minh khác của Mỹ trong đó có Ả-rập Xê-út, Qatar cũng đang có ý định sắm tên lửa S-400 để bảo vệ họ.

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Đây là 1 phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300. Trong quá trình phát triển, Triumf được gọi bằng tên định danh là S-300PMU3 và vì vậy có ý kiến cho rằng cái tên S-400 mang hàm ý quảng bá nhiều hơn.

Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40–120 km với tên lửa 9M96, 250 km với tên lửa 48N6 và tới 400 km với tên lửa 40N6. S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km và cao 40–50 km.

Xem thêm >> Singapore tài trợ tiền ăn nghỉ cho phái đoàn Triều Tiên dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Tin mới lên