Diễn đàn VNF

An ninh lương thực với nhân tố mới nổi từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc

(VNF) - Góc nhìn của Tiến sỹ Phạm Quang Diệu về vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh.

An ninh lương thực với nhân tố mới nổi từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc

"Ý nghĩa chiến lược về an ninh lương thực đối với Việt Nam có nhiều khả năng đang đến từ một khía cạnh khác mà rất ít các phân tích đã đề cập. Cách đây nhiều thập kỷ đã có học giả phương Tây có bài phân tích gây nổi tiếng với tiêu đề "Ai nuôi Trung Quốc". Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã nổi lên thành nước nhập khẩu gạo hàng đầu và sự nổi lên này đặt ra câu hỏi xu hướng trên sẽ gây ra những tác động thế nào đến an ninh lương thực của Việt Nam?

Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu gạo nước này tăng mạnh kể từ năm 2010. Tuy nhiên, nguồn số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho rằng con số thực tế nhập khẩu của Trung Quốc từ 2012 cao hơn nhiều con số công bố của phía Trung Quốc. Số liệu hải quan Việt Nam cho thấy kể từ năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn gạo sang thị trường Trung Quốc. 

Mức này tiếp tục được duy trì trong vòng 4 năm trở lại đây. Lượng gạo xuất khẩu thực tế sang Trung Quốc chắc chắn lớn hơn nhiều. Các ước tính được tuyên bố của lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) hay các quan chức bộ Công thương cho thấy hàng năm Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vào khoảng 1,5 triệu tấn gạo. Ước tính của tác giả cũng cho kết quả khá trùng lắp với các tuyên bố của lãnh đạo VFA và Bộ Công thương.

Sự nổi lên của Trung Quốc có thể được nhìn nhận như cơ hội kinh doanh cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, nó đặt ra một số những thách thức như sau:

- Phần lớn gạo đi Trung Quốc, đặc biệt tiểu ngạch là gạo phẩm cấp thấp, không có giám định chất lượng ngặt nghèo. Đây là cái bẫy cho ngành gạo Việt Nam trong trung và dài hạn.

- Trung Quốc không bao giờ công bố về nhu cầu thực tế do lo ngại thị trường phản ứng, giá tăng gây thua thiệt cho nhập khẩu của Trung Quốc. Do đó dường như Trung Quốc đang vận dụng cơ chế tiểu ngạch với Việt Nam và Miến Điện để làm nguồn cung gạo có lợi nhất cho họ về mặt giá cũng như sự linh hoạt của nguồn cung.

- Thương mại tiểu ngạch của Trung Quốc diễn ra nhanh, phạm vi rộng. Tiểu ngạch khó đo đếm, phản ứng chính sách/kinh doanh của Việt Nam diễn ra chậm, chịu nhiều thiệt hại. Trung Quốc nhập khẩu không theo một kênh thông thường như các nước Philipin, Cu Ba, Iraq hay các nước khác.

Thông thường doanh nghiệp nước ngoài ký hợp đồng nhập khẩu qua các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ thông qua mạng lưới hàng xáo để thu mua của dân. Đối với Trung Quốc, ngoài việc nhập khẩu một cách chính thống, rất có nhiều khả năng doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cần trực tiếp thông qua mạng lưới thu mua để mua gạo của nông dân.

- Nếu Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo thì tác động sẽ rất nhanh và khó dự đoán. Một lượng nhập khẩu lớn trong khoảng thời gian ngắn sẽ là cơ hội để tăng giá, đem lại thu nhập cho một bộ phận kinh doanh và người nông dân. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ gây ra biến động của giá thị trường, tăng nguy cơ rủi ro kinh doanh với rất nhiều doanh nghiệp.

Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam với kênh thu mua rộng khắp và diễn biến rất nhanh cũng là một thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trong việc chủ động nguồn hàng cho các hợp đồng của mình.

- Nếu Trung Quốc tăng đột ngột lượng gạo nhập khẩu rất lớn, trong vòng 1 tháng tăng lượng nhập khẩu lên 1 triệu tấn, và cả năm lên con số 3-4 triệu tấn thì biến động về giá nội địa của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá nói chung, gây ra lạm phát và một bộ phận người nghèo không có khả năng tiếp cận lương thực và gây mất an ninh lương thực.

- Thách thức về mặt chính sách của Chính phủ đó là Việt Nam chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu được xuất khẩu tiểu ngạch để có thể nắm được diễn biến cung cầu từ đó có được các giải pháp chính sách kịp thời".

(Trích tham luận: "Tăng trưởng Nông nghiệp 30 năm đổi mới: Sự cần thiết cho một tư duy mới về đất lúa cho xuất khẩu gạo và an ninh lương thực")

Tin mới lên