Tiêu điểm

'Ảnh hưởng từ Brexit' được đưa vào nghị quyết của Chính phủ

(VNF) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016, trong đó nhấn mạnh nhiều nội dung kinh tế quan trọng, trong đó có việc giảm thiểu ảnh hưởng từ Brexit.

'Ảnh hưởng từ Brexit' được đưa vào nghị quyết của Chính phủ

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tếvĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát để chủ động điều hành phù hợp trong mọi tình huống, nhất là tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Bộ này cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Rà soát các dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả.

Trong khi đó, Bộ Tài chính phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh Châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó.

Bộ Tài chính cũng chịu trách nhiệm tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2016. Rà soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công của các cơ quan, đơn vị.

Brexit cũng là nội dung Bộ Công Thương phải lưu ý, theo đó bộ này cần "thường xuyên theo dõi tình hình quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn, đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu".

Một số công việc khác Bộ Công Thương cần thực hiện là theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô; tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Tin mới lên