Tài chính quốc tế

Anh: Một phụ nữ đã tử vong vì nhiễm chất độc Novichok

(VNF) - Sau khi được phát hiện trong tình trạng nguy kịch và nhập viện từ ngày 30/6, bà Dawn Sturgess (44 tuổi) người Anh đã tử vong tại bệnh viện quận Salisbury ngày hôm qua (8/7). Theo thông tin từ cảnh sát Anh, người phụ nữ này bị phơi nhiễm với chất độc thần kinh Novichok.

Anh: Một phụ nữ đã tử vong vì nhiễm chất độc Novichok

Bà Dawn Sturgess (44 tuổi) đã tử vong vì nhiễm chất độc Novichok.

Hôm 30/6, cảnh sát Anh cho biết hai công dân nước này là ông Charlie Rowley (45 tuổi) và bà Dawn Sturgess (44 tuổi) được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh. Khám nghiệm y khoa cho thấy hai nạn nhân có dấu hiệu trúng độc Novichok, chất độc thần kinh sản xuất từ thời Liên Xô bị nghi được sử dụng trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal hôm 4/3.

Thêm vào đó, hai người này sống tại thị trấn Amesbury, cách thành phố Salisbury, nơi cha con Skripal bị đầu độc, khoảng 12 km. Hiện ông Charlie Rowley cũng đang trong tình trạng nguy kịch.

Bà Dawn Sturgess mua rượu tại cửa hàng gần nhà ngày 30/6.

Trước sự việc này, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà đã bị "sốc và kinh hoàng", đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân. Bà May cho biết, lực lượng chức năng của Anh đang nỗ lực điều tra để tìm chiếm chứng cứ và các thông tin liên quan. Bà cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ lực lượng cần thiết để giải quyết vụ việc này.

Theo nguồn tin từ cảnh sát Anh, họ sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để phục vụ cho công tác điều tra của Mạng lưới Cảnh sát Chống Khủng bố Anh.

Các nhà điều tra hiện vẫn đang tìm hiểu bà Sturgess và ông Rowley đã tiếp xúc với chất độc thần kinh trên như thế nào mặc dù một số cuộc thử nghiệm cho thấy, các nạn nhân đã chạm tay vào chất độc này.

Được biết, bà Dawn Sturgess đã mua rượu ở một cửa tiệm gần nhà vài tiếng trước khi được phát hiện bất tỉnh tại nhà riêng.

Trước đó, theo Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace, hai người này không có tiểu sử gì liên quan tới giới tình báo. “Nhiều khả năng họ là những nạn nhân từ hệ quả của cuộc tấn công trước đó hoặc của cái gì đó, chứ không phải là họ bị trực tiếp nhắm mục tiêu”, ông nói thêm.

Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ lực lượng cần thiết để giải quyết vụ việc này.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid cũng cho rằng mối liên hệ giữa các vụ tấn công "đã làm sáng tỏ những điểm nghi vấn chính" và yêu cầu Moscow phải giải thích.

"Đã đến lúc Nga giải thích chính xác những gì đang diễn ra. Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc người dân của chúng ta trở thành những mục tiêu có chủ ý hoặc tình cờ; việc đường phố, công viên, thị trấn của chúng ta trở thành hiện trường của những vụ đầu độc", vị Bộ trưởng tuyên bố.

Những phát biểu này ngay lập tức gây ra phản ứng gay gắt từ phía Nga. "Chúng tôi kêu gọi cơ quan thực thi pháp luật Anh không tham gia vào trò chơi chính trị bẩn thỉu của London. Thay vào đó, họ nên hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật Nga để điều tra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên.

"Chính phủ và các đại diện của họ sẽ phải xin lỗi Nga và cộng đồng quốc tế. Điều đó sẽ xảy ra", bà nói thêm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/7 cho rằng vụ đầu độc mới là sự việc "rất đáng lo ngại nhưng Nga không có thông tin về chất độc cũng như cách thức chúng được sử dụng".

"Nga không liên quan tới vụ việc (đầu độc cựu điệp viên Skripal), cáo buộc chống lại Nga là âm mưu tinh vi phá hủy danh tiếng của Nga và công tác tổ chức World Cup", ông Peskov nhấn mạnh.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

Xem thêm >> Vụ đầu độc cựu điệp viên: Cảnh sát Anh lại ‘chĩa mũi nhọn’ vào Nga

Tin mới lên