M&A

ANZ bán 20% cổ phần tại SRCB với giá 1,32 tỷ USD

ANZ đã quyết định bán 20% cổ phần tại ngân hàng Thương mại Nông thôn Thượng Hải (SRCB) với giá 1,84 tỷ AUD (1,32 tỷ USD).

ANZ bán 20% cổ phần tại SRCB với giá 1,32 tỷ USD

Tập đoàn ngân hàng Australia-New Zealand (ANZ) đã quyết định bán 20% cổ phần tại ngân hàng Thương mại Nông thôn Thượng Hải (SRCB) với giá 1,84 tỷ AUD (1,32 tỷ USD) trong bối cảnh ANZ tiếp tục cắt giảm các tài sản tại châu Á theo kế hoạch tái cơ cấu của mình.

Hai doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải biển của Trung Quốc là COSCO và công ty Shanghai Sino-Poland sẽ mua lại cổ phần của ANZ tại ngân hàng SRCB với tỷ lệ mua lại mỗi bên 10%.

Đây được xem như bước đi tiếp theo của ANZ nhằm đơn giản hóa các mảng kinh doanh. Trước đó, ANZ đã bán lại mảng quản lý tài sản và bán lẻ tại 5 thị trường châu Á cho ngân hàng DBS của Singapore.

Hồi tháng 11/2016, Ngân hàng ANZ đã có thông tin chính thức xung quanh thương vụ bán mảng ngân hàng bán lẻ tại 5 thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ANZ, trong đó có Việt Nam.

Đại diện ngân hàng ANZ tại Úc cho biết mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Việt Nam không nằm trong thương vụ mua bán này nên không có ảnh hưởng hay thay đổi gì đến hoạt động phục vụ khách hàng, bao gồm cả mảng dịch vụ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét không ngừng cải thiện mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho các khách hàng tại Việt Nam và lợi ích của khách hàng sẽ luôn là trọng tâm trong mọi quyết định mà chúng tôi đưa ra" – đại diện ANZ nêu rõ.

Trước đó Reuters đã dẫn lời Tổng giám đốc điều hành của ANZ ông Shayne Elliot rằng ngân hàng đang lên kế hoạch để bán lại mảng kinh doanh tại Việt Nam và Philippines, tuy nhiên chưa có ý định sẽ bán lại mảng này tại Lào và Campuchia.

Ngoài ra, một số thông tin từ báo chí quốc tế cho biết ngân hàng ANZ đang thương thảo bán mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ châu Á gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Indonesia cho tập đoàn DBS của Singapore. Nhưng trong 5 thị trường mà ANZ dự kiến chuyển nhượng phân khúc này không có tên Việt Nam.

Tin mới lên