Diễn đàn VNF

APEC & thương mại nội khối: 'Không ai muốn bảo hộ thương mại cả'

(VNF) - Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC ông Alan Bollard tin rằng tất cả các thành viên của APEC đều không muốn thương mại sụt giảm và bảo hộ thương mại gia tăng khi trao đổi về tương lai phát triển thương mại nội khối của APEC.

APEC & thương mại nội khối: 'Không ai muốn bảo hộ thương mại cả'

Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành, Ban thư ký APEC.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và hợp tác kinh tế giữa các thành viên APEC trong vài năm lại đây?

Ông Alan Bollard: Trong vài năm trở lại đây, khối APEC đã có một sự tăng trưởng thương mại vượt bậc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp người dân trong khu vực thoát nghèo. Tuy nhiên, một số loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa truyền thống, đã tăng trưởng chậm lại, kéo theo đó là nhiều câu hỏi được đặt ra rằng giao thương hàng hóa liệu đã đạt đến "đỉnh" của nó hay chưa. 

Trong khi đó, chúng ta đều thấy rằng thương mại nói chung và dịch vụ nói riêng đều tăng trưởng mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên các doanh nghiệp nhỏ trong khụ vực có được cơ hội, qua các kênh điện tử và chuỗi cung ứng, để phát triển và tạo lợi thế riêng cho mình qua việc hội nhập kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực tiếp tục được gia tăng. Hiện tại, có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các biên giới, trao đổi dữ liệu giữa các quốc gia, người dân trong khối APEC, từ những doanh nhân với các thẻ kinh doanh APEC, trong khi học sinh hưởng lợi từ các chính sách học bổng của APEC, hay việc số lượng các khách du lịch tăng nhờ các sáng kiến thúc đẩy du lịch.

- Thế nhưng, theo ông, thương mại nội khối APEC ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam và ngược lại?

Thương mại là một động lực tăng trưởng lớn của toàn khu vực APEC trong quá khứ. Trong một thập kỷ qua, thương mại đã là một phần rất quan trọng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cho đến thời điểm này thì vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ dừng lại. 

Với việc Việt Nam là một đối tác thương mại lớn trong khu vực, và thương mại là một phần quan trọng của nền kinh tế, trong khi Việt Nam cũng là một thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), rồi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-11), Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một hướng đi cho những thỏa thuận thương mại này để mở ra những thị trường mới và giúp đất nước phát triển xa hơn. 

Chúng tôi cũng đang nhìn thấy một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể chảy vào Việt Nam, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất trong nước để phục vụ cho nhu cầu tại các thị trường quốc tế.

- Nhưng khi nhìn vào hướng tăng trưởng thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC, theo ông, có những nhân tố nào đã và đang làm suy giảm sự tăng trưởng thương mại trong thời gian gần đây?

Tại thời điểm toàn bộ nền tài chính toàn cầu gặp khủng hoảng, thương mại đã giảm đáng kể trong khu vực APEC, đến nay, tăng trưởng đã trở lại nhưng ở mức vừa phải. APEC là khu vực phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng thương mại, kéo theo đó là sự tăng trưởng về thu nhập, hình thành nên tầng lớp trung lưu như hiện tại. 

Chúng ta đang nhìn thấy nhiều hơn những tăng trưởng của thương mại và dịch vụ, và những điều này có liên quan trực tiếp tới việc số hóa hệ thống thanh toán, vận chuyển, di chuyển - một dạng khác của thương mại. Việt Nam là một phần của làn sóng này, và chúng ta có thể nhìn thấy những tăng trưởng đáng kể nữa trong tương lai. 

Ngoài ra, nông nghiệp vốn có nhiều dư địa tăng trưởng trong xuất nhập khẩu vẫn bị hạn chế bởi sản xuất và các loại thuế quan. Tuy vậy, tôi tin nông nghiệp có thể tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai.

- Theo ông, những rào cản thương mại và kinh tế nào được xem là điểm yếu trong khu vực APEC?

Ngoài sự bảo hộ nông nghiệp như tôi đã đề cập, chúng ta vẫn tiếp tục có những hàng rào thuế quan cho thương mại hoàng hóa dù đã giảm bớt đi so với trước. Có lẽ, điều quan trọng hơn cho hiện tại là các biện pháp phi thuế quan tại biên giới, các thủ tục hành chính phức tạp, hoặc phía sau biên giới nơi các quy định về dịch vụ và tỷ lệ nội địa hóa được giảm bớt. APEC đang làm rất nhiều việc để tìm ra hướng đi tốt nhất cho việc tái cấu trúc và cải thiện quy định cho những vấn đề này.

Trong tương lai, thương mại điện tử chắc chắn sẽ là một lĩnh vực lớn, và chúng tôi đang có rất nhiều cuộc thảo luận tại APEC về việc làm thế nào để đảm bảo khả năng kết nối thông tin và thương mại điện tử trong khi vẫn bảo mật được dữ liệu và an ninh mạng. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết những vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về việc xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa trong thời gian gần đây, và những ảnh hưởng đối với sự phát triển thương mại trong khối APEC?

Trong một vài năm vừa qua, một vài quốc gia trên thế giới đã lo ngại về các tác động tiêu cực của thương mại đối với cộng đồng dân số của họ. Điều này chủ yếu diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, và đặc biệt bộc lộ qua cuộc trưng cầu bỏ phiếu Brexit tại Anh và gần đây nhất là cuộc bỏ phiếu ở Mỹ. 

Chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề này, khi thương mại nhiều khi bị đổ lỗi cho việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, trong khi điều này đến từ tự động hóa. Có những ý kiến cho rằng sự phân tách của xã hội đến từ nạn di cư, và một lần nữa điều này không thực sự liên quan đến sự phát triển thương mại.

Tôi nghĩ rằng tất cả các nền kinh tế APEC đều không muốn thương mại sụt giảm và bảo hộ thương mại gia tăng. Hiện tại đang có một vài cuộc thảo luận liên quan đến sự so sánh giữa lợi ích trong tương lai của các hiệp định tự do thương mại đa phương đối với song phương, và một vài lập luận, chủ yếu từ phía Mỹ, rằng chúng ta phải chú ý đến những việc thực thị những cam kết thương mại hiên nay một cách tốt hơn. 

Tuy vậy, khi chúng ta thực sự nhìn vào những biện pháp bảo hộ, cùng với đó là các phỏng đoán của nhiều phương tiện truyền thông, và nhiều nền kinh tế đang tìm kiếm các biện pháp phòng vệ thương mại, thì theo số liệu của WTO, hiện tại vẫn chưa thấy chủ nghĩa và biện pháp bảo hộ thương mại gia tăng.

- Các nền kinh tế APEC đang làm thế nào để giải quyết những thách thức thương mại và kinh tế trong năm Việt Nam làm chủ nhà của APEC 2017?

Việt Nam đã đặt ra bốn ưu tiên trong năm chủ nhà và tiếp tục thúc đẩy những sáng kiến hội nhập nền kinh tế khu vực. Chúng ta đang có rất nhiều những sáng kiến cho những vấn đề tại biên giới, phía sau biên giới và cả qua biên giới. 

Thứ hai, Việt Nam tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực. Chủ đề này đã thu hút sự quan tâm trong nhiều năm tại APEC nhưng định nghĩa chính xác của từ phát triển bền vững thì vẫn chưa được chú trọng. Việt Nam đã triển khai một dự án tập trung vào những giải pháp để toàn diện hóa xã hội, tài chính và kinh tế qua việc cải tổ những chính sách và học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất trong APEC. 

Hiện tại cũng đang có sự tập trung vào việc hiện đại hóa những doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ số hóa với sự phát triển của thương mại điện tử, đưa những doanh nghiệp nhỏ này vào trong chuỗi hoạt động thương mại. 

Nếu làm được điều này thì cùng với đó, chúng ta cần có những quy định về thương mại điện tử đa biên giới theo hướng giúp đỡ những doanh nghiệp nhỏ chứ không chỉ những doanh nghiệp lớn. 

Cuối cùng, Việt Nam đang tập trung vào an toàn thực phẩm với một tuần lễ thực phẩm lớn tại Cần Thơ và một vài những kiến nghị để nâng cao an toàn thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

- Ông kỳ vọng gì vào tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng trong tháng 11/2017 này?

Tôi mong và trông đợi vào việc tất cả các lãnh đạo của các nền kinh tế APEC sẽ tham gia. Mặc dù chúng ta đều biết rằng đang có một số các vấn đề địa chính trị giữa các nước thành viên, nhưng tất cả các lãnh đạo sẽ nói chuyện hoàn toàn về vấn đề phát triển kinh tế và làm thế nào để chúng ta có thể cùng tiến lên trong một thế giới nhiều biến động. Tất cả các lãnh đạo sẽ rất quan tâm với việc vạch ra hướng đi tiếp theo của APEC. 

- Ông có những khuyến nghị nào cho Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà?

Việt Nam đã có 1 năm rất hiệu quả với các cuộc họp, các buổi hội thảo với rất nhiều sáng kiến. Tôi nghĩ rằng thách thức hiện nay là phải bảo đảm tất cả những việc này đều được triển khai đúng quy trình.

 Chúng ta cần phải thảo luận về hướng đi tiếp theo, không chỉ tại Việt Nam mà cả khu vực về những ví dụ rất cụ thể trong APEC về việc làm thế nào để giúp những doanh nghiệp và cộng đồng phát triển qua việc hội nhập kinh tế khu vực. Chúng ta nhận thấy rằng những thảo luận đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều trong bối cảnh chống toàn cầu hóa như hiện nay. 

Tin mới lên