Tài chính quốc tế

Apple thoát vụ kiện của FBI nhờ... bên thứ 3

Sở Tư Pháp Mỹ cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thành công trong việc truy cập vào dữ liệu chiếc iPhone của tay súng vụ San Bernardino.

Apple thoát vụ kiện của FBI nhờ... bên thứ 3

Phải chăng cuộc chiến giữa Apple và FBI cuối cùng đã đến hồi kết

Cơ quan thực thi pháp luật FBI đã có thể đột nhập vào chiếc iPhone sử dụng bởi Syed Farook với một sự giúp đỡ của một bên thứ ba được giấu tên. Tạm thời, chính phủ Mỹ chưa đi vào chi tiết về những thông tin đã tìm thấy được trên chiếc điện thoại này.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Melanie Newman trả lời phóng vấn: "FBI hiện nay đã lấy thành công các dữ liệu được lưu trữ trên chiếc iPhone của tên Syed. Chúng tôi sẽ không cần đòi hỏi sự hỗ trợ từ Apple nữa".

Syed Farook và cùng một tên khác đã tiến hành một vụ xả súng vào hồi tháng 12 năm ngoái, khiến 14 người chết. Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã tiến hành yêu cầu Apple tự phá hệ thống bảo mật " bất khả xâm phạm" của chính họ tạo nên, để lấy thông tin quan trọng cho việc điều tra.

Apple đã từ chối giúp đỡ, nói rằng hành động này sẽ làm tổn hại đến quyền riêng tư của người dùng iPhone trên toàn thế giới. Được biết, FBI đã yêu cầu Apple cung cấp một phần mềm đặc biệt mà chỉ có cơ quan thực thi pháp luật này được sử dụng, có chức năng ‘’phá khóa’’ mọi chiếc iPhone. Cục Điều tra Liên bang giải thích, họ muốn sở hữu công nghệ đặc biệt này từ Apple với mục đích không chỉ giải quyết vụ San Bernardino mà còn các vụ án tương tự trong tương lai nữa.

"Gã khổng lồ" Apple, cũng như rất nhiều người dùng iPhone đã tỏ ra không hài lòng trước thái độ của chính phủ Mỹ và FBI. Với việc Mỹ từng bị chỉ trích là đã tiến hành nhiều vụ nghe lén và thu thập các dữ liệu cá nhân của người dân một cách tự tiện, người dân có quyền lo ngại về quyền bảo mật riêng tư của họ nếu FBI nắm trong tay loại công nghệ này. Vì lý do bảo về quyền lợi cho người dùng, Apple đã quả quyết từ chối giúp đỡ FBI, nói rằng: "Việc một cơ quan nhà nước sở hữu một phần mềm ‘’cửa sau’’ (backdoor) sẽ khiến mọi chuyện trở nên rất phức tạp. Đặc biệt nếu họ sử dụng nó cho các mục đích khác."

Apple và FBI đã tranh cãi rất quyết liệt trước Tòa vào tuần trước. Đến đúng những phút cuối cùng, Sở Tư pháp đã thông báo phá được chiếc iPhone và cho biết không cần thiết tiếp tục phiên tòa hôm đó nữa.

Nhưng việc chính phủ Mỹ đã phá được tường bảo mật của iPhone là một đòn đánh chí mạng vào Apple, cũng như người dùng. Giờ đây, khó ai biết được chính phủ Mỹ sẽ làm gì với thông tin họ có thể lấy được từ người dùng. Cuối cùng thì hệ thống mã hóa dữ liệu của Apple không ‘’bất khả xâm phạm’’ như chúng ta nghĩ.

Tất nhiên, bên FBI cũng đảm bảo rằng họ sẽ giữ kín phương thức phá bảo mật họ đã sử dụng. Họ cũng chỉ tiết lộ, cho đến thời điểm này, đã phá được ít nhất là mẫu iPhone 5C đang chạy phiên bản iOS 9 của tên Syed. Bên thứ ba đã giúp đỡ quá trình điều tra cũng được giấu tên, đồng thời, đại diện tổ chức này cũng không nói rõ liệu họ có chia sẻ cách khắc phục lỗi bảo mật này với Apple hay không.

Thường thì FBI sẽ phải tổ chức một cuộc họp cấp cao với Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống để thảo luận cách hack các thiết bị như thế này. Tuy nhiên, đây là lần đầu FBI tự tìm đến một bên thứ ba nhờ giúp đỡ mà không cần sự tư vấn của Hội đồng An ninh.

Alex Abdo – một luật sư dân sự tư do Liên bang Mỹ nhận định: "Vụ kiện giữa Apple và FBI chưa bao giờ là về chỉ một chiếc điện thoại iPhone. Thực chất, FBI muốn nắm giữ công nghệ "phá khóa" mọi chiếc iPhone và Apple thì đơn giản không muốn chia sẻ công nghệ đó".

Tin mới lên