Tài chính quốc tế

Australia cảnh báo 'chiến thuật gây hấn' của Trung Quốc trên Biển Đông

Australia đã bày tỏ sự lo ngại về “chiến thuật gây hấn” của Bắc Kinh trên Biển Đông sau khi một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc áp sát “thiếu an toàn” một tàu chiến Mỹ tại khu vực này vào tuần trước.

Australia cảnh báo 'chiến thuật gây hấn' của Trung Quốc trên Biển Đông

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ (Ảnh: AFP)

Hãng tin Guardian ngày 3/10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết chính phủ Thủ tướng Scott Morrison coi việc sử dụng bất kỳ “chiến thuật hăm dọa hay gây hấn” nào trên Biển Đông đều là những hành động “gây bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”.

Tuyên bố của Bộ trưởng Pyne được đưa ra sau vụ việc căng thẳng gần đây giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ liên quan tới hoạt động của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.

Một quan chức Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ ngày 30/9 đã tiến hành chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đông khi đi qua khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tàu USS Decatur đang triển khai hoạt động, tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã có động thái áp sát “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” đối với tàu Mỹ. Theo người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tàu Trung Quốc đã tới gần trước mũi tàu Mỹ và chỉ cách tàu Mỹ khoảng hơn 40m. Trước tình huống này, tàu Decatur buộc phải chuyển hướng “để tránh va chạm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pyne (trái) và Thủ tướng Morrison (Ảnh: Getty).

Theo Bộ trưởng Pyne, chính quyền Australia coi “chiến thuật gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông là “nguy hiểm” và mô tả các thông tin liên quan tới vụ việc gần đây là “đáng lo ngại”.

“Australia từ trước đến nay vẫn luôn bày tỏ lo ngại về động thái phi quân sự hóa liên tục trên Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền (trên Biển Đông) kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/10 cho biết Bắc Kinh yêu cầu Mỹ dừng “các hành động khiêu khích” trên Biển Đông. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận một tàu hải quân của nước này đã được triển khai để cảnh báo tàu Mỹ rời khỏi Biển Đông, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh phản đối chiến dịch của Mỹ trên Biển Đông vì đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.

Liên quan tới tình hình căng thẳng trên Biển Đông gần đây, Thủ tướng Scott Morrison hôm nay 3/10 khẳng định ông mong muốn sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Tàu USS Decatur của Mỹ (trái) và tàu Trung Quốc "chạm trán" nhau trên Biển Đông hôm 30/9 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

“Chúng tôi sẽ là những cái đầu lạnh trong bối cảnh hiện nay. Giai đoạn bất ổn đang diễn ra và nhiệm vụ của chúng tôi là hợp tác với tất cả các nước để giảm bớt sự bất ổn đó. Đó là những gì chúng tôi đang làm”, Thủ tướng Morrison nói với đài phát thanh 6PR.

Bộ trưởng Pyne tuần này thông báo Australia đang tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương trong khu vực. Cuộc tập trận Bersama Lima được tiến hành một phần trên Biển Đông với sự tham gia của Australia, Anh, New Zealand, Singapore và Malaysia.

Ngoài ra, Australia cũng đang lên kế hoạch tập trận với Hải quân Pháp trên Biển Đông. Theo Bộ trưởng Pyne, cả Australia và Pháp đều có chung quan điểm rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế, do vậy các nước đều có quyền tự do đi lại.

Hồi tháng 6, chính phủ Australia thông báo chi gần 7 tỷ AUD (khoảng 5 tỷ USD) để mua các máy bay không người lái tầm xa Triton của Mỹ nhằm tăng cường năng lực tuần tra ở châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Pyne nói rằng các máy bay Triton sẽ hỗ trợ năng lực tuần tra giám sát của Australia tại Đông Nam Á và Biển Đông. Các thông tin do Triton thu thập sẽ được gửi về các căn cứ quân sự tại Australia.

Xem thêm >> Thảm họa kép Indonesia: Người dân cướp thực phẩm, phá cây ATM, chen nhau lên máy bay sơ tán

Tin mới lên