Nhân vật

Bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT Intimex Việt Nam

(VNF) – Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp giữa niên độ đã được soát xét, trong đó ghi nhận thông tin đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Nga đã thôi chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 27/6/2017. Người thay thế bà Nga là bà Trần Ngọc Minh – được bổ nhiệm cùng ngày.

Bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT Intimex Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG

Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần của Intimex Việt Nam đạt 389 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kì; lợi nhuận gộp đạt 58,7 tỷ đồng, giảm 13,8%.

Dù doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 4 lần (đạt 13 tỷ đồng) nhưng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31% và chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức cao nên lợi nhuân thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 4 tỷ đồng.

Phải nhờ khoản thu nhập khác (thưởng doanh số, tạo mã hàng hóa, quỹ khuyến mãi và hỗ trợ khai trương, trưng bày), Công ty mới thoát khỏi cảnh lỗ và ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 630 triệu đồng.

Về tài sản, tính đến 30/6/2017, Intimex Việt Nam có 777 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 12% so với đầu kì.

Tài sản ngắn hạn có mức tăng 91%, chủ yếu là do sự gia tăng của các khoản phải thu (từ 70 tỷ đồng lên 299,8 tỷ đồng). Trong đó, khoản "phải thu về cho vay ngắn hạn" có mức tăng mạnh nhất (tăng gần 42 lần), đạt 208 tỷ đồng. Đây là khoản tiền mà công ty cho Công ty TNHH Thương mại Đầu tư & Xuất nhập khẩu An Phú và Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư & Xây dựng Tây Hồ vay tín chấp với số tiền lần lượt là 203 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của Intimex Việt Nam

Bên cạnh đó, Công ty còn có hơn 50 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khác, trong đó đáng chú ý là khoản nợ quá hạn 7,3 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ & Máy tính V.E.N.R.

Còn khoản phải thu 10,97 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội, theo thuyết minh số 5.6, đây là khoản tiền gửi của Công ty tại chi nhánh này, dùng để thanh toán cho khoản vay của chi nhánh Công ty tại Hải Phòng đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng, nhưng chưa giải quyết được. Do đó, tài sản và nguồn vốn của Công ty thể hiện trên bảng cân đối kế toán đang cao thực tế 10,97 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn của Công ty trong kì đã có sự sụt giảm mạnh từ 699,5 tỷ đồng xuống còn 370,3 tỷ đồng (tương đương mức giảm 44,7%), chủ yếu do khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm hơn 5 lần.

Về nguồn vốn, tính đến ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Công ty là 169 tỷ đồng, giảm 38%, chủ yếu do nợ ngắn hạn giảm tương ứng. Vốn chủ sở hữu đạt 607 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu kì.

Tin mới lên