Diễn đàn VNF

Ba vấn đề cần lưu ý gì khi thu hút FDI vào ngành năng lượng?

(VNF) - VietnamFinance giới thiệu góc nhìn của GS TSKH Nguyễn Mại về vấn đề thu hút FDI vào ngành năng lượng, một vấn đề có quan hệ hữu cơ với chủ trương và quy hoạch phát triển điện năng trong tương lai.

Ba vấn đề cần lưu ý gì khi thu hút FDI vào ngành năng lượng?

Ảnh minh họa.

"Dư luận đang quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia gắn với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng thích ứng với đòi hỏi của việc giảm khi phát thải nhà kính bằng cách ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo và các năng lượng tương lai.

Theo quy hoạch phát triển điện lực của nước ta đến 2020, tầm nhìn đến 2030 thì dự kiến 2025 tổng công suất các nhà máy điện đạt 96 500 MW, trong đó thủy điện chiếm 21,1%, nhiệt điện than chiếm 49,3%, nhiệt điện khí chiếm 15,6%, điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo chiếm 12,5% và nhập khẩu điện chiếm 1,5%. So với cơ cấu điện hiện tại thì tỷ lệ của thủy điện giảm do nước ta không còn nhiều tiềm năng về loại năng lượng này; nhiệt điện than và khí gia tăng mạnh mẽ, chiếm 64,9%, trong khi năng lượng sạch chỉ chiếm 12,5%. Trong quy hoạch phát triển này đã loại trừ điện hạt nhân mà trước đây dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận.

Thu hút FDI vào ngành năng lượng có quan hệ hữu cơ với chủ trương và quy hoạch phát triển điện năng trong tương lai; do đó cần lưu ý ba vấn đề sau đây:

- Từ khi Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi để phát triển nhanh điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, trong đó quy định giá mua điện mặt trời 9,35 cent/kwh, điện gió 7,8 cent/kwh; trong điều kiện công nghệ đã được cải tiến với giá thành giảm đáng kể (hiện nay suất đầu tư khoảng 1.500 - 1.600 USD/1kw) thì từ đầu năm đến nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước dự định đầu tư vào nguồn năng lượng mới này, đây là xu thế tất yếu.

Do vậy, cần nghiên cứu xu thế đó để đưa ra dự báo chính xác hơn triển vọng nguồn năng lượng mới, điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng của nhiệt điện than và khí, thích ứng với xu thế thời đại hướng đến mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ trái đất, giảm thiểu tác hại của thiên tai mà nước ta là một trong những quốc gia bị đe dọa nhất.

- Trong trường hợp vẩn phải xây dưng thêm nhà máy điện than và khí thì cần quan tâm đúng mức yếu tố công nghệ từ khâu thẩm định dự án cho đến khâu đấu thầu mua sắm thiết bị và vận hành nhà máy để giảm thiểu khí phát thải nhà kính, khói bụi, chất thải rắn và lỏng gây ô nhiễm môi trường. Việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án điện than và điện khí cũng cần được cân nhắc thật cẩn thận để không lặp lại hiện tượng đã từng xảy ra ở nước ta là nhà đầu tư bằng mọi cách kể cả móc ngoặc, thông đồng để trúng thầu dự án, sau đó tìm cách nâng giá, đầu tư bằng công nghệ lạc hậu, gây ra hậu quả khó lường.

- Để so sánh giá thành tính trên 1KW không chỉ cần tính chi phí trực tiếp của dự án từng loại năng lượng như máy móc, thiết bị, công nghệ, nhân lực và vận hành mà còn phải tính cả chi phí gián tiếp có liên quan đến xử lý môi trường, khí phát thải nhà kính của các nhà máy điện than, điện khí, thủy điện để lựa chọn khách quan và khoa học, chuyển đổi định hướng an toàn năng lượng quốc gia theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng sạch, giảm dần tỷ trọng nguồn năng lượng cổ điển trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thì nước ta có tiềm năng lớn điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo, chưa kể đến điện thủy triều mà một số nước đã thực hiện, do đó quy hoạch phát triển năng lượng cần bảo đảm không những an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào việc ứng phó với các vấn đề chung về biến đổi khí hậu của nhân loại".

Tin mới lên