Công nghệ

Bài học thành công từ Grab, startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á

(VNF) – Trong 2 năm tới, Grab dự kiến tuyển thêm 800 nhân viên nghiên cứu và phát triển tại 6 trung tâm, bao gồm cả các cơ sở mới ở Bangalore và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài học thành công từ Grab, startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á

Nữ doanh nhân Tan Hooi Ling, nhà đồng sáng lập Grab.

"Các công ty sẵn sàng trả mức lương "khủng" cho các ứng viên tài năng và sáng giá nhất. Tuy nhiên, ta nên làm gì khi có một ứng viên giỏi nhưng lại không phù hợp với văn hóa của công ty? Cách tốt nhất là từ chối họ, mặc dù đó là một quyết định chẳng dễ dàng chút nào", nữ doanh nhân Tan Hooi Ling, nhà đồng sáng lập Grab chia sẻ trong bài phỏng vấn mới đây với CNBC.

"Chào đời" vào năm 2012 tại Malaysia và được coi là "bản sao" của Uber, Grab đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Hiện Grab cung cấp dịch vụ ở 132 thành phố tại 7 quốc gia. Công ty này khẳng định họ nắm 95% thị phần thuê xe taxi tư nhân ở Đông Nam Á, với hơn 63 triệu lượt tải ứng dụng và hơn 1,8 triệu tài xế.

Tan Hooi Ling đã chia sẻ với CNBC những kinh nghiệm cô đã đúc rút được sau 5 năm khởi nghiệp:

Thuê đúng người

"Doanh nghiệp của bạn thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc bạn thuê được đúng người hay không. Điều quan trọng nhất là tìm được những nhân viên phù hợp với văn hóa và giá trị của công ty", Tan chia sẻ.

Những startup non trẻ thường phải "vật lộn" và "tranh giành" tài năng với các tập đoàn lớn nơi họ sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để làm giàu nguồn chất xám của công ty.

Tan nói: "Chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều tài năng sáng giá, họ có thể làm được rất nhiều điều cho Grab, tuy nhiên, nếu cảm thấy đó chưa phải là một mảnh ghép thích hợp với công ty, chúng tôi đành phải làm họ thất vọng. Từ chối là một việc khiến chúng tôi khổ tâm nhất. Tuy nhiên, thà từ chối họ ngay từ đầu còn hơn là nhận họ vào làm rồi mới sa thải họ".

"Thuê được những nhân viên phù hợp đã giúp chúng tôi có được vị thế ngày hôm nay. Thú thật, Grab có rất nhiều người tài giỏi hơn tôi và anh Anthony Tan (đồng sáng lập ra Grab), và chúng tôi thấy hài lòng về điều đó", cô nói.

Văn hóa doanh nghiệp đang là một đề tài "nóng" trong bối cảnh hàng loạt công ty ở Thung lũng Silicon bị cáo buộc với những hành vi quấy rối tình dục và phân biệt đối xử, điều đó đã phá hoại nghiêm trọng hình ảnh của cái nôi công nghệ thế giới.

Mới đây, CEO Zain Jaffer của Vungle - công ty chuyên sản xuất nền tảng quảng cáo video đã bị bắt với cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em và giết người. Hay như Uber, đối thủ nặng ký của Grab cũng vừa sa thải hơn 20 nhân viên sau một cuộc điều tra quấy rối tại nơi làm việc.

Định hướng rõ ràng

Tìm được những người cộng sự thích hợp sẽ giúp công ty phát triển bền vững, còn đưa ra định hướng đúng đắn sẽ giúp bạn không bị chệch khỏi quỹ đạo.

Theo Tan, vạch ra những định hướng rõ ràng từ đầu sẽ giúp những startup nhỏ đưa ra kế hoạch phát triển đúng đắn và những công ty lớn củng cố vị thế của họ trong tương lai phù hợp với nguồn lực sẵn có.

Tuy nhiên, theo cô, việc này cần có một sự cân bằng tinh tế, bởi "nếu bạn quá tập trung vào định hướng ban đầu, bạn sẽ bị trì trệ vì không có sự đổi mới. Nhưng nếu bạn quá sáng tạo, bạn sẽ mất phương hướng và không làm được gì ra hồn".

"Với Grab,chúng tôi đã tự đặt ra rất nhiều câu hỏi, ví như: "chúng tôi nên triển khai dịch vụ tại một nước trước hay triển khai đồng thời trên 7 quốc gia?", hay "chúng tôi có nên mở rộng địa bàn hoạt động từ các nước Đông Nam Á sang các thị trường lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ hay không?", câu hỏi hóc búa này đã khiến tôi và anh Anthony Tan đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Grab chưa có kế hoạch di chuyển ra ngoài khu vực Đông Nam Á", cô chia sẻ.

Grab được định giá 6 tỷ USD và chính thức trở thành startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á

Tích lũy kinh nghiệm sau mỗi thất bại

"Để trở nên nổi bật và khác biệt hơn so với đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp mới thành lập thường phải chấp nhận rủi ro, đôi khi cái giá phải trả cho những rủi ro đó khá tốn kém. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án an toàn. Nhưng theo tôi, cách duy nhất để tiếp tục thành công là tiếp tục thất bại và tự rút ra bài học sau những thất bại đó", nữ doanh nhân chia sẻ.

Tan cho biết, những ngày đầu khi Grab mới thành lập, cô đã phải trả giá không nhỏ cho những thất bại khi cố gắng làm cho Grab trở nên khác biệt. Nhưng những thất bại đó đã giúp cô trưởng thành và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

"Những ngày đầu ra mắt, chúng tôi đã chủ quan rằng sẽ chưa có nhiều người sử dụng dịch vụ của mình. Nhưng mọi thứ không như phán đoán ban đầu, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều hơn chúng tôi dự tính, hệ thống đặt xe của chúng tôi đã gặp không ít trục trặc vì nền tảng công nghệ hạn chế", vị nữ doanh nhân cho hay.

Luôn khiêm tốn

"Nếu không khiêm tốn bạn sẽ thấy không cần thiết phải học hỏi, không phải săn tìm những nhân viên tốt nhất và không phải tự thách thức bản thân, điều đó sẽ khiến cho công ty của bạn dậm chân tại chỗ", Tan nói.

Gần đây, Grab đã liên tục có những cải tiến về dịch vụ và phương thức thanh toán. Mới đây, hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) và Grab vừa công bố hợp tác mở rộng nhằm tích hợp các ứng dụng trên di động, tạo tiện ích cho khách hàng di chuyển trên đường bộ và đường hàng không.

Grab cho biết vòng gọi vốn mới nhất của họ đạt được 2,5 tỷ USD. Với số tiền đầu tư mới này, Grab được định giá 6 tỷ USD và chính thức trở thành startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á.

Grab đang cung cấp dịch vụ xe tư nhân, xe máy, taxi và dịch vụ đi chung xe. Cứ 3 hành khách thì có 1 người sử dụng nhiều loại dịch vụ của Grab. Grab cũng đang mang đến lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng ở Đông Nam Á, mang đến khả năng kết nối cho những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với hệ thống ngân hàng.

Trong 2 năm tới, Grab dự kiến tuyển thêm 800 nhân viên nghiên cứu và phát triển tại 6 trung tâm, bao gồm cả các cơ sở mới ở Bangalore và Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này cũng cho biết họ sẵn sàng dành ra khoảng 100 triệu USD hỗ trợ các hãng khởi nghiệp trong lĩnh vực di động và fintech tại Indonesia.

Theo TNS, một công ty nghiên cứu thị trường, Grab là hãng dẫn đầu thị trường ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Tin mới lên