Ngân hàng

Bài toán khó của VietinBank: Dư địa phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ còn 6.000 tỷ

(VNF) – Trong khi phương án tăng vốn cấp 1 đang bế tắc bởi tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã thấp hơn giới hạn 65% thì dư địa phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 của VietinBank chỉ còn 6.000 tỷ đồng. “Sợi dây” hệ số an toàn vốn đang dần siết chặt hơn với VietinBank.

Bài toán khó của VietinBank: Dư địa phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 chỉ còn 6.000 tỷ

“Sợi dây” hệ số an toàn vốn đang dần siết chặt hơn với VietinBank.

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Theo HSC, VietinBank ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Điều này là nhờ tín dụng tăng 7,56% so với đầu năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,8%.

“Tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank có vẻ thấp hơn so với các ngân hàng khác, tuy nhiên điều này là do ngân hàng đã nỗ lực xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC, với số dư xấp xỉ 600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm”, HSC nhận định.

VietinBank đã phát hành tổng cộng 8.415 tỷ đồng trái phiếu trong quý II, trong đó 3.415 tỷ đồng được tính vào vốn cấp 2.

Tại thời điểm cuối quý I/2018, VietinBank có 22.501 tỷ đồng giấy giờ có giá (gồm trái phiếu thứ cấp, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi), trong đó 20.500 tỷ đồng là trái phiếu thứ cấp. Với 3.415 tỷ đồng phát hành gần đây trong quý II, tổng lượng trái phiếu thứ cấp là 23.915 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 40% vốn cấp 1.

“Do tỷ lệ trái phiếu thứ cấp được tính vào vốn cấp 2/vốn cấp 1 tối đa là 50% nên VietinBank chỉ còn có thể phát hành thêm 6.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp nâng vốn cấp 2”, HSC cho hay.

HSC cho rằng, nhu cầu vốn mới của VietinBank đã trở nên rất cấp thiết nhưng phương án nâng vốn cấp 1 là hạn chế vì room đã kín từ lâu và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cũng đã thấp hơn giới hạn 65%. Với việc dư địa nâng vốn cấp 2 cũng không còn nhiều thì VietinBank sẽ cần phải nâng vốn cấp 1 trong 12 tháng tới.

Năm 2018, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng 13,9%, đạt 10.483 tỷ đồng.

Cổ phiếu của VietinBank hiện giao dịch với P/B dự phóng là 1,37 lần so với mức bình quân 1,99 lần các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết (hay 1,68 lần không tính Vietcombank).

Sự chênh lệch về định giá này theo HSC là hợp lý vì 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, hệ số CAR của VietinBank vẫn còn thấp so với các ngân hàng khác. HSC ước tính VietinBank sẽ cần phải tăng vốn thêm khoảng 20%, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng trong hai năm tới. VietinBank vẫn có thể tăng vốn cấp 2 nhưng việc này đã trở nên khó khăn hơn. Do đó, ngân hàng này cũng cần tăng vốn cấp 1.

Như đã đề cập, do room đã đầy và tỷ lệ sở hữu nhà nước hiện là 64,46% (đã thấp hơn mức tối thiểu là 65%), đây sẽ là vấn đề khá phức tạp.

Thứ hai, VietinBank vẫn cần xử lý các vấn đề nợ xấu. Mặc dù VietinBank hiện đã trích lập dự phòng và xử lý gần như toàn bộ trái phiếu VAMC, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề mà ngân hàng này phải đối mặt.

Cụ thể, lãi dự thu vẫn ở mức cao hơn so với các ngân hàng, là 14.524 tỷ đồng, tương đương 1,41% tổng tài sản sinh lãi. HSC ước tính phần lớn lãi dự thu có thể cần được trích lập dự phòng do VietinBank có một số khoản cho vay các dư án của DNNN đang kém hiệu quả và các dự án BOT, là những khoản vay cần phải chú ý theo dõi.

Thứ ba, các hệ số quan trọng khác như hệ số LDR cũng cần được điều chỉnh về mức thông thường.

“Hai trở ngại chính đối với thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) là hệ số LDR cao và dĩ nhiên là lãi dự thu cao. Nếu những vấn đề này không được xử lý, tỷ lệ NIM sẽ khó có thể cải thiện. Và mặc dù tổng tải sản và tín dụng tiếp tục tăng trưởng, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng sẽ thấp hơn mức bình quân ngành, là 17%. Với những vấn đề trên, không có nhiều yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong trung hạn ngoài khả năng Ngân hàng sẽ tăng vốn”, HSC đánh giá.

Với những vấn đề trên, theo HSC, định giá cổ phiếu trong thời gian tới vẫn sẽ thấp hơn mức bình quân ngành. Mặc dù vậy, cổ phiếu vẫn có tiềm năng tăng cùng với thị trường trong ngắn hạn.

Tin mới lên