Ngân hàng

Bài toán tăng vốn cho VAMC

Để cho việc xử lý nợ xấu đi về đích thì điều quan trọng vẫn là Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) cần có đủ vốn.

Bài toán tăng vốn cho VAMC

Cần phải có "tiền tươi thóc thật" để VAMC xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa.

Dù cho hoạt động xử lý nợ xấu thời gian qua được đánh giá khá tốt với vai trò của Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), và trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nếu Bộ Tài chính thông qua các quy định liên quan đến việc mua bán nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty xử lý nợ của các NHTM (AMC), sẽ hỗ trợ rất nhiều cho VAMC.

Đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, VAMC và các TCTD triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Thống đốc NHNN ban hành các Thông tư hướng dẫn Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD; rà soát, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại đối với các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Tăng cường thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của các TCTD, VAMC; Tăng cường giám sát, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc việc tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc chỉ thị đơn vị này tiếp tục tổ chức triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua. Đặc biệt VAMC cần đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Quan trọng là tăng vốn cho VAMC

Theo nhiệm vụ được giao, đến hết năm 2020 VAMC phải mua tối thiểu 330.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng. Chính vì vậy theo kế hoạch mà VAMC công bố thì trong năm 2018, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt với tổng giá trị tối đa là 32.000 tỷ đồng; tổng số tiền mua nợ xấu theo giá trị thị trường năm 2018 là 3.500 tỷ đồng. Đối với xử lý nợ, đến năm 2022 xử lý tối thiểu được 140.000 tỷ đồng số nợ xấu đã mua, trong đó, riêng năm 2018 xử lý 34.504 tỷ đồng.

Thời gian qua công tác mua nợ xấu của VAMC được đánh giá chuyển biến tốt nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực tế việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn khá chậm. Con số báo cáo trong 6 tháng đầu năm nay, hệ thống TCTD xử lý nợ xấu ước đạt 58.800 tỷ đồng, tuy nhiên trong con số này thì khối nợ xấu mà các TCTD tự xử lý đã chiếm đến 56.740 tỷ đồng.

TS. Trương Huy Mai, chuyên gia kinh tế RMIT nhận định kết quả xử lý nợ xấu của VAMC chưa như mong đợi, vì còn gặp nhiều vướng mắc do cơ quan quản lý chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 42; khâu định giá ban đầu chưa sát với thị trường, dẫn đến nhiều khoản phải bán đi bán lại; thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, hạ tầng công nghệ thông tin còn thô sơ, nên việc hỗ trợ lưu trữ hồ sơ, báo cáo thống kê tốn nhiều thời gian…

Trên hết, cản trở lớn nhất cho VAMC trong thực hiện trọng trách của mình là thiếu vốn. Từ cuối năm 2015, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn quá nhỏ so với quy mô nợ xấu cần xử lý.

Thực tế việc tăng vốn để VAMC hoàn thành vai trò cũng đã được cơ quan quản lý tính đến. Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2018, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt mức 5.000 tỷ đồng và đạt mức mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020.

Tuy nhiên cho đến nay, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018, nhưng VAMC vẫn chưa được cấp vốn như lộ trình đề ra. Mới đây, VAMC đã đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ được cấp đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ như lộ trình đề ra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng muốn xử lý dứt điểm nợ xấu, bên cạnh việc banh hành các quy định tháo gỡ các rào cản trong việc bán tài sản thế chấp thì điều quan trọng đó là VAMC phải có tiền tươi thóc thật để mua nợ. Bởi vì nếu VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sẽ tạo ra mối quan hệ “tay 3” giữa con nợ, NH và VAMC. Bởi về nguyên tắc NH bán nợ là chuyển nợ sang VAMC, nhưng NH vẫn có trách nhiệm giữ tài sản và VAMC chỉ ghi giấy thay vì đưa tiền cho NH.

Do đó, khi VAMC muốn bán các tài sản này phải đạt được thỏa thuận 3 bên, trong khi mỗi bên đều có tính lợi ích của mình. Điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình bán tài sản xử lý nợ. Đó là câu trả lời cho việc vì sao các ngân hàng đang tự xử lý tốt hơn các khoản nợ xấu do nhiều NH mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC và muốn bán giá nào tùy NH mà không bị VAMC chi phối. Vì vậy, nếu VAMC có tiền để mua đứt khoản nợ, quá trình xử lý nợ sẽ nhanh hơn.

Tin mới lên