Tài chính

Bán 20.000 ha cao su cho Trung Quốc: Thực chiêu hay hư chiêu của HAGL?

(VNF) – Tuyên bố có thể sẽ bán 20.000 ha cao su cho đối tác Trung Quốc của HAGL nếu không được Chính phủ đồng ý tái cơ cấu nợ đang khiến dư luận dậy sóng.

Bán 20.000 ha cao su cho Trung Quốc: Thực chiêu hay hư chiêu của HAGL?

Tuyên bố có thể bán 20.000 ha cho đối tác Trung Quốc là thực chiêu hay hư chiêu của HAGL?

Vì sao mãi không được tái cơ cấu nợ?

Vậy là mọi kỳ vọng của giới đầu tư vào việc HAGL được Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu nợ vẫn chỉ là hy vọng. Trong cuộc họp Đại hội đông cổ đông của HAGL và HAGL Agrico mới đây, bầu Đức tiết lộ HAGL có thể sẽ bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc để lấy tiền trang trải nợ nếu Chính phủ không đồng ý hỗ trợ tái cơ cấu cho HAGL.

Khoan hãy đề cập đến tuyên bố có thể bán 20.000 ha cho đối tác Trung Quốc của HAGL, chỉ xin được đề cập đến nguyên nhân tại sao mãi mà HAGL không được Chính phủ đồng ý hỗ trợ tái cơ cấu nợ.

Đúng vào thời điểm Đại hội đồng cổ đông HAGL và HAGL Agrico diễn ra, dư luận lại đang dậy sóng với đề xuất xử lý nợ xấu bằng ngân sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiều ý kiến thuận cũng như trái chiều được đưa ra, chẳng hạn như nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu vì như vậy sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề, hoặc không nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu vì như vậy là "lấy của người nghèo chia cho người giàu".

Chưa bàn đến chuyện nên hay không nên xử lý nợ xấu bằng ngân sách, chỉ cần thấy xuất hiện đề xuất xử lý nợ xấu bằng ngân sách là đã thấy tình hình nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức khá nghiêm trọng.

Giữa bối cảnh tình hình nợ xấu đang ở mức khó khăn như thế, nếu Chính phủ và các ngân hàng dang tay ra "cứu" HAGL thì có phải đã đi ngược với tinh thần giải quyết nợ xấu nhanh của Chính phủ hay không? Đấy là chưa kể nguồn lực đâu mà "cứu", và nếu có nguồn lực thì sao không dùng để xử lý nợ xấu đang tồn đọng để đỡ phải tiêu tiền của ngân sách?

Hơn nữa, HAGL cũng chẳng phải không còn khả năng trả nợ. Chính bầu Đức đã tuyên bố, nếu bán 20.000 ha cao su, HAGL có thể thu về 8.000 tỷ đồng. Việc bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công chắc chắn cũng sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông HAGL Agrico, bầu Đức còn tiết lộ tập đoàn đang xem xét bán 50% bất động sản tại Myanmar với giá 750 triệu USD.

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng khiến Chính phủ và đặc biệt là các ngân hàng chần chừ trong chuyện tái cơ cấu nợ cho HAGL, đó là vấn đề dòng tiền.

Giá cao su hiện đang ở mức thấp và chưa có dấu hiệu nào sẽ tăng giá, HAGL Myanmar Center giai đoạn I dù hiệu suất sử dụng đã ở mức cao nhưng dự kiến chỉ đem về chưa tới 1.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016, lại thêm giá thịt bò xuống thấp càng khiến dòng tiền tương lai của HAGL trở lên mù mịt.

Nếu dòng tiền tương lai vẫn không được cải thiện là bao thì việc kéo giãn thời gian trả nợ cho HAGL cũng không còn nhiều ý nghĩa, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ và khả năng trả nợ của tập đoàn này. Đương nhiên điều này cũng không có lợi cho phía ngân hàng.

Thực chiêu hay hư chiêu?

Diễn biến đáng chú ý nhất trong Đại hội đồng cổ đông HAGL và HAGL Agrico chắc chắn là tuyên bố: HAGL có thể bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc để trả nợ nếu Chính phủ không "cứu" HAGL.

Nhưng thực tế thì chuyện bán 20.000 ha cao su vùng biên cho đối tác Trung Quốc không đơn giản.

Khó nhất là khâu xin phép. Chính bầu Đức cũng cho biết đang trình ý kiến bán 10.000 ha – 20.000 ha cao su tại Lào lên Chính phủ. Tất nhiên bầu Đức phải xin phép cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.

Nhưng xác suất xin phép thành công liệu có cao hay không? E rằng là thấp. Bởi 20.000 ha cao su của HAGL tại Lào vừa thuộc vùng biên giới 2 nước Việt Nam – Lào, lại vừa là đất rừng, nên vừa vướng quy định pháp luật, lại vừa vướng vấn đề an ninh, quốc phòng. Hơn nữa, nếu đối tác mua là các doanh nghiệp Trung Quốc thì không khỏi khiến dư luận dậy sóng.

Đừng quên nếu không có mối quan hệ chính trị đặc biệt giữa 2 nước Việt – Lào thì Hoàng Anh Gia Lai cũng khó lòng tạo dựng cơ ngơi cao su hàng chục nghìn ha tại đất nước Triệu voi này.

Thêm vào đó, việc một/một vài doanh nghiệp bỏ một đống tiền ra mua lại 20.000 ha cao su trong bối cảnh giá cao su đang ở mức thấp và chưa biết khi nào sẽ cải thiện cũng là điều không dễ xảy ra. Hiện HAGL đang phải bán mủ cao su dưới giá vốn, chấp nhận chịu lỗ để thu về đồng nào hay đồng đấy.

Nếu Chính phủ và các ngân hàng không đồng ý tái cơ cấu nợ cho HAGL thì thương vụ bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc của tập đoàn này thực sự rất đáng chờ đợi.

Tin mới lên