Tài chính quốc tế

Bắn 21 phát đại bác chào mừng tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

(VNF) - Ngày 14/5 (giờ Paris), với 21 phát đại bác, Điện Elysee chính thức đón chào chủ nhân mới, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Đệ nhất phu nhân Brigitte Trogneux.

Bắn 21 phát đại bác chào mừng tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ông Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Trogneux trong lễ nhậm chức ngày 14/5 tại Paris.

Một tuần sau cuộc bầu cử hôm 7/5, Emmanuel Macron đã chính thức tiếp nhận quyền lực và mã hạt nhân từ người tiền nhiệm Francois Hollande trong buổi lễ nhậm chức tại Điện Elysee ở thủ đô Paris ngày 14/5 (giờ địa phương).

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 39 tuổi, diễn ra tại Điện Elysee. Ảnh: Getty

Sau khi ông được tuyên bố chính thức trở thành Tổng thống Pháp, các khẩu đại bác đặt tại đài tưởng niệm Invalides phía bên kia sông Seine đã bắn 21 phát nhằm chào mừng sự kiện trọng đại.

 21 phát nhằm chào mừng sự kiện tân Tổng thống Pháp nhậm chức.

Reuters nhận định việc Macron lên nắm quyền đánh dấu sự tạm ngưng của làn sóng chống toàn cầu hóa đang lan rộng sau chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ hay việc dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU).

Macron, từng làm lĩnh vực ngân hàng, ủng hộ EU và ủng hộ các doanh nghiệp, trở thành Tổng thống trẻ nhất của Pháp kể từ sau thế chiến và là người đầu tiên sinh sau năm 1958, thời điểm Tổng thống Charles de Gaulle khai sinh nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp.

 Macron trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp và là nhà lãnh đạo trẻ nhất kể từ thời Napoleon. Ảnh: Reuters

Ông là lãnh đạo đảng Tiến lên (En Marche). Đảng này chỉ mới được ông thành lập từ tháng 4/2016. Ông từng đảm nhận vai trò bộ trưởng kinh tế trong chính quyền Hollande.

Tổng thống Macron  tiếp nhận quyền lực từ người tiền nhiệm Francois Hollande. Ảnh: Reuters

Emmanuel Macron nhận lại một nước Pháp đầy chia rẽ. Là một người ủng hộ toàn cầu hóa, ông sẽ phải xoa dịu cơn giận và nỗi thất vọng của gần 1/2 trong số 47 triệu người Pháp đã bỏ phiếu cho những chính sách chống toàn cầu hóa, ủng hộ đóng cửa biên giới, rút khỏi các định chế của EU. 

Thách thức gần nhất của Macron là đảng của ông phải giành được đa số trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới để các chính sách của tổng thống mới được thông qua. Nếu thất bại, Macron sẽ "nếm mùi" những khó khăn của một "kẻ ngoại đạo" không có chính đảng lớn đứng sau dù đây được cho là ưu thế của Macron trong cuộc bầu cử.

Dù vậy, Reuters nhận định thời điểm nhậm chức của Macron cũng là lúc kinh tế Pháp đang có dấu hiệu hồi phục. Sức mạnh công đoàn Pháp đã suy yếu đi ít nhiều dưới thời ông Hollande và có thể tạo điều kiện cho các chính sách thân doanh nghiệp của Macron.

Về đối ngoại, các cộng sự của Macron đã cho biết ông sẽ đến Berlin ngay sau ngày nhậm chức để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hành động này được xem là thông điệp về EU vững mạnh dù phải đối mặt với sự ra đi của nước Anh.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Macron tuyên bố sẽ đoàn kết người dân, đưa đất nước "vượt qua chia rẽ và rạn nứt bên trong xã hội".

Tin mới lên