Tài chính

Bán ‘cục nợ’ Việt Thắng, Hùng Vương có tìm được cửa ‘hồi sinh’?

(VNF) – Sau khi bán đi "gà đẻ trứng vàng" FMC, bán 2 lô đất giải quyết trên 80% hàng tồn kho, mới đây "vua cá tra" Hùng Vương quyết định sẽ bán trên 50% vốn tại Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng. Những động thái "cắt da xẻ thịt" đang được Hùng Vương sử dụng để hy vọng thoát khó khăn.

Bán ‘cục nợ’ Việt Thắng, Hùng Vương có tìm được cửa ‘hồi sinh’?

Cách đây 10 năm, Hùng Vương (HoSE: HVG) chính là "gã khổng lồ" M&A khi liên tục đầu tư vào Agrifish, Sao Ta, Việt Thắng... Việc làm ăn không hiệu quả cùng với gánh nặng tài chính quá lớn nên việc Thủy sản Hùng Vương quyết định thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp thời gian gần đây được xem là động thái "bắt buộc" để HVG cân đối tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Vết trượt dài" của Việt Thắng

Thành lập từ năm 2002, Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (HoSE: VTF) "phất" nhanh như diều gặp gió trong thời kỳ nghề nuôi thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển mạnh. 

Chỉ 10 năm sau ngày thành lập, VTF đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi tại thị trường này và trở thành một trong số ít doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ. Vì thế, VTF đã nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của đại gia Thủy sản Hùng Vương để hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra của mình.

Cuối năm 2012, thương vụ Hùng Vương "thâu tóm" Việt Thắng diễn ra khá chóng vánh. Không phải chào mua công khai, HVG chỉ mất 1 tháng để hoàn tất việc tăng tỉ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31%. Sau đó, đến tháng 7/2014, HVG tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF lên 66.39% và đến cuối năm 2015, HVG đã "thôn tính" xong VTF sau khi gom hơn 90% cổ phần.

Sau khi "thâu tóm" VTF, thay vì có những bước đi thận trọng, HVG đã đẩy VTF vào những cuộc chơi đầy tham vọng hơn. Cụ thể, cuối năm 2015, VTF tiếp tục đầu tư mở rộng Nhà máy Lai Vung với 2 dây chuyền sản xuất thức ăn cá công suất 120.000 tấn/năm/dây chuyền, nâng tổng công suất toàn công ty lên trên 700.000 tấn/năm.

Bước sang năm 2016, VTF tiếp tục đầu tư thêm nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm ở Long An với công suất 500.000 tấn/năm thông qua công ty con là Công ty TNHH Thức ăn Chăn Nuôi Việt Thắng Long An. 

Cũng trong năm này, VTF đã "lấn sân" sang lĩnh vực nuôi gia súc khi đầu tư Trại heo giống cụ kỵ tại An Giang với 1.600 con nái cụ kỵ thông qua công ty con là Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang. Ngoài ra, VTF cũng đang tiến hành đầu tư trại heo giống ông bà với 2.500 con nái ông bà tại tỉnh Bình Định...

Đáng nói, tất cả kế hoạch "bành trướng" này lại không dựa vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp mà chủ yếu được phát triển từ nguồn vốn vay.

Điều này có thể thấy rõ qua báo cáo tài chính các năm. Cụ thể, nếu năm 2014, VTF không có khoản nợ dài hạn trong khi nợ ngắn hạn chỉ khoảng 342 tỷ đồng thì đến cuối tháng 6/2017, nợ vay ngắn và dài hạn của VTF đã lên tới 2.244 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cuối năm 2014. 

Số nợ này cũng cao gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu (1.045 tỷ đồng) và chiếm khoảng 66% tổng tài sản (3.382 tỷ đồng) của VTF. Chưa kể, mức lãi vay của khoản vay "khủng" này (khoảng 120 tỷ đồng) cũng ăn mòn vào lợi nhuận VTF kiếm được.

Ngoài ra, tính đến hết quý III/2017, VTF còn đang đầu tư dở dang 620 tỷ đồng vào 3 dự án Nhà máy Long An, Nhà máy Sa Đéc - Lai Vung, Trại Heo An Giang và Bình Định nhưng chỉ còn vỏn vẹn... 17 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản. Do đó, nếu muốn tài trợ cho các dự án còn dang dở, VTF chắc chắn phải tiếp tục... vay mượn.

"Cửa sinh" cho Hùng Vương?

Theo kế hoạch, HVG sẽ bán 50% VTF và dự kiến hoàn thành giao dịch trước ngày 15/2/2018. Nếu thành công, HVG sẽ giảm sở hữu tại VTF xuống còn dưới 40,38% vốn. 

Nhiều đồn đoán trên thị trường, 50% vốn này được Vingroup mua lại nhưng phía tập đoàn này chưa chính thức xác nhận. Dù vậy, thông tin này cũng khiến cổ phiếu HVG bật tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 10/1. Hiện, giá cổ phiếu HVG ở mức hơn 9.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HVG, từng tiết lộ CJ cũng có bàn bạc để mua lại VTF. Tuy nhiên CJ đưa ra mức giá không như kỳ vọng khi định giá chỉ 250 triệu USD, trong khi công suất nhà máy của VTF tới 1,6 triệu tấn/năm và tài sản của VTF đã trên 100 triệu USD (chưa kể riêng trang thiết bị, nhà xưởng đất đai). Vì vậy, rất có thể lần này đối tác đã trả được giá kỳ vọng nên HVG mới quyết định bán đi 50% vốn VTF.

Được biết, tổng nợ vay của Hùng Vương trên báo cáo hợp nhất năm 2017 là trên 7.800 tỷ đồng; trong đó, vay ngắn hạn khoảng 7.000 tỷ và dài hạn 800 tỷ.

Theo đại diện HVG, Nhà máy Việt Thắng vốn ban đầu là 80 tỷ, đến nay vốn điều lệ nâng lên 1.030 tỷ đồng. Từ chỗ công suất nhà máy thức ăn chỉ chưa tới 100.000 tấn/năm, đến nay VTF đã đạt công suất 700.000 tấn/năm. Nếu HVG thoái vốn tại VTF thì giá trị thu về phải gấp 2 lần vốn điều lệ. Khi đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi rất lớn vì tài sản ở Việt Thắng cũng đã được khấu hao trên 60%.

Như vậy, việc thoái vốn tại VTF cùng với FMC trước đó dự kiến đem về cho HVG trên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng và nợ vay đương nhiên giảm được 3.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, HVG còn có nguồn thu từ bán hàng tồn kho trên 10.000 tấn sản phẩm, đã ký hợp đồng bán đến quý I/2018 và sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng là 50.000 tấn cá với giá trung bình 28.000 đồng/kg. Khi đó, Hùng Vương không những không còn nợ ngân hàng mà sẽ dư ra một khoản tiền rất lớn, dự kiến cũng trên 2.500 tỷ đồng.

Tin mới lên