Tài chính

Bán FPT Retail và FPT Trading, động lực tăng trưởng của FPT đến từ đâu?

(VNF) - Hoàn thành thoái vốn từ 2 công ty con là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) xuống tỷ lệ dưới 50%, động lực tăng trưởng năm 2018 của FPT đến từ đâu khi đặt mục tiêu doanh thu 21.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.484 tỷ đồng?

Bán FPT Retail và FPT Trading, động lực tăng trưởng của FPT đến từ đâu?

Lãi ròng của FPT năm 2017 đạt 2.927 tỷ đồng

Tập đoàn FPT vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 với kết quả kinh doanh đột biến đến từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt và khoản lợi nhận "đáng kể" từ việc thoái vốn tại FPT Retail và FPT Trading.

Tăng trưởng đột biến nhờ... "bán con"

Theo báo cáo tài chính của FPT, ngày 18/12/2017, doanh nghiệp này đã hoàn tất giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail và FPT Trading xuống dưới 50%. 

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FRT Retail là 47% và tại FPT Trading là 48%. Như vậy, 2 công ty này chính thức trở thành công ty liên kết thay vì là công ty "con" của FPT và hoạt động kinh doanh chính của FPT từ năm 2018 sẽ chỉ bao gồm ba khối chính: công nghệ, viễn thông và giáo dục.

Việc thoái vốn thành công tại 2 doanh nghiệp này khiến kết quả kinh doanh năm 2017 của FPT tăng đột biến với doanh thu hợp nhất đạt 43.845 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.249 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.522 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2016.

Bên cạnh ghi nhận khoản thu nhập đến từ thoái vốn, theo FPT, hoạt động kinh doanh trong năm 2017 tăng trưởng cực kỳ ấn tượng với 2 mảng công nghệ và viễn thông. 

Cụ thể, mảng công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 11.083 tỷ đồng và 1.131 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 3% so với năm 2016. Trong khi đó, mảng viễn thông cũng giúp FPT ghi nhận doanh thu tăng 15%, đạt 7.651 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.222 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% (do ảnh hưởng từ việc trích lập quỹ dịch vụ viễn thông công ích và phí thương quyền).

Ngoài ra, thị trường nước ngoài với hoạt động chủ yếu của FPT Software tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT năm vừa qua (chủ yếu đến từ mảng xuất khẩu phần mềm).

Cụ thể, doanh thu thị trường nước ngoài của FPT tăng 18%, đạt 7.199 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 29%. Đặc biệt, năm 2017 cũng là năm FPT ghi danh khi ký hợp đồng đạt 36,5 triệu USD với một khách hàng Nhật Bản...

Những kết quả này đã giúp FPT ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 47%, đạt 2.927 tỷ đồng và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 5.122 đồng, tăng 50% so với năm 2016.

Động lực tăng trưởng năm 2018 dựa vào đâu?

Thực tế, việc thoái vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading đã hoàn tất trong năm 2017 vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả kinh doanh của FPT trong năm 2018. Tuy nhiên, theo phân tích của các công ty chứng khoán, khả năng doanh thu của FPT có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là mức lợi nhuận.

Chẳng hạn với FPT Retail, đơn vị chiếm 30% doanh thu của FPT, ở tỷ lệ sở hữu dưới 50%, FPT Retail sẽ chỉ là công ty liên kết, doanh thu sẽ không được hợp nhất vào báo cáo của FPT nữa. Tuy nhiên, lợi nhuận của FPT sẽ ít bị ảnh hưởng do biên lợi nhuận mỏng (chỉ chiếm 9,88% lợi nhuận trước thuế hợp nhất) và sau thoái vốn, FPT vẫn ghi nhận lợi nhuận từ FPT Retail theo tỷ lệ sở hữu thực tế tại công ty liên doanh, liên kết.

Chính vì vậy, năm 2018, khi không còn hợp nhất kết quả kinh doanh từ FPT Retail và FPT Trading, FPT đã đặt kế hoạch lợi nhuận 3.484 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017 (loại bỏ lợi nhuận bất thường từ thoái vốn năm 2017). Doanh thu dự kiến năm 2018 tăng 11%, đạt 21.900 tỷ đồng.

Dựa vào động lực nào mà FPT đặt mục tiêu kinh doanh như thế?

Theo FPT, khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn từ FPT Retail và FPT Trading có thể sẽ được đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và các dịch vụ viễn thông mới. Đây cũng là cơ sở để FPT phát triển 2 mảng kinh doanh doanh chủ lực này khi đà tăng trưởng còn rất lớn. 

Nên nhớ, năm 2017, doanh thu của FPT đạt 43.845 tỷ đồng thì khối công nghệ và viễn thông lần lượt đóng góp 11.083 tỷ đồng và 7.651 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 15% so với năm 2016. Đây cũng là hai mảng đóng góp lớn nhất cho kết quả kinh doanh của FPT trong năm qua.

Chưa kể, đầu năm 2018 này, FPT Software vừa phá kỷ lục hơn 20 năm qua khi ký hợp đồng trị giá 100 triệu USD để cung cấp các dịch vụ công nghệ viễn thông với nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để FPT có thêm động lực phát triển và hoàn thành chỉ tiêu năm 2018.

Tin mới lên