Thị trường

Bán hàng đa cấp sẽ có nghị định mới ‘chặt chẽ hơn’

(VNF) - Bộ Công Thương dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với các điều kiện chặt chẽ hơn trước.

Bán hàng đa cấp sẽ có nghị định mới ‘chặt chẽ hơn’

Bán hàng đa cấp sẽ có các điều kiện chặt chẽ hơn trước

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ năm 2016, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và các văn bản nêu trên đã siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại những hậu quả về kinh tế - xã hội.

Bán hàng đa cấp cần minh bạch thông tin

So với Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định sửa đổi bao gồm nhiều thay đổi khá quan trọng.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, để có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép thời gian qua, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung, theo đó còn áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với 7 điều khoản chi tiết.

Chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Doanh nghiệp cũng cần phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền.

Việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng cần phải thực hiện thông qua chuyển khoản cũng là một điểm mới trong dự thảo Nghị định này.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo hơn

Một điểm đáng chú ý khác là doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. 

Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. 
Trong các vụ việc như vậy, các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.

Nhà nước sẽ quản bán hàng đa cấp chặt hơn

Trong khi đó,  để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, một loạt các quy định khác cũng được ban hành như yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó. 

Hiện dự thảo nghị định này đang ở giai đoạn lấy ý kiến của các bên liên quan.

Nghị định mới về bán hàng đa cấp được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý nhằm ngăn chặn những thảm họa như Liên Kết Việt

Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã "xóa sổ" 25 công ty đa cấp, đồng thời xử phạt 64 trường hợp vi phạm với số tiền 11 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, trong số 25 công ty đa cấp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 hồi năm 2015.

Bộ Công Thương cũng cho biết, từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc  đối với các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt hơn 11 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương cũng tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn. 

Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 65 trường hợp vi phạm với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng.

Tin mới lên