Bất động sản

Bán rẻ dự án Nam Đàn Plaza: Cái vali 14 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh

(VNF) – Nhờ việc chấp thuận cho PVP Land bán cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza (thấp hơn nhiều so với giá thực tế là 52 triệu đồng/m2), Trịnh Xuân Thanh đã nhận được hoa hồng (tiền chênh lệch giá) 14 tỷ đồng.

Bán rẻ dự án Nam Đàn Plaza: Cái vali 14 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh

Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn tại dự án Nam Đàn Plaza

Chiếc vali chứa 14 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh

Như VietnamFinance đã thông tin ở bài viết trước, ngày 5/4/2010, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã ký kết 5 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đối với các cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương, qua đó mua lại thành công dự án Nam Đàn Plaza.

Thực hiện các giao kèo, ngày 6/4/2010, Lê Hòa Bình đã thanh toán 50% giá trị hợp đồng cho các cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Cùng ngày, Thái Kiều Hương – Phó giám đốc Công ty Vietsan, yêu cầu Lê Hòa Bình đưa 14 tỷ đồng để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT PVC. Trước đó Bình đã chuyển cho Công ty Vietsan 5 tỷ đồng và Vietsan đã chuyển số tiền này cho Đinh Mạnh Thắng.

Để có tiền chuyển cho Thanh, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã ký 2 tờ séc rút 9 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Minh Ngân tại Vietinbank – Chi nhánh Thanh Xuân – Phòng giao dịch Phạm Hùng, đồng thời giao thêm 5 tỷ đồng tiền mặt cho Hương để Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng gửi cho Trịnh Xuân Thanh.

Đích thân Hương đã mang 14 tỷ đồng đến nhà Thắng, giao cho vợ ông này là Nguyễn Thị Thanh Vân.

Ngày hôm sau, Thắng gọi điện báo cho Trịnh Xuân Thanh đã nhận được tiền của Hương. Thanh nói Thắng cứ chuyển cho lái xe là Nguyễn Đặng Toàn, do vậy Thắng đã lệnh cho lái xe của mình là Vũ Đức Lưu giao 14 tỷ đồng cho Toàn.

Theo biên bản kết luận điều tra, 14 tỷ đồng này, Thắng đựng trong 1 cái vali (loại có bánh xe kéo) giao cho Toàn để Toàn chuyển cho Thanh. Sau khi nhận tiền, Toàn đã cho vào cốp chiếc xe mà Thanh vẫn hay đi.

Đến khi hết giờ làm việc trong ngày, Toàn chở Thanh về nhà. Khi đến nơi, Toàn đã nhìn thấy Thanh kéo chiếc vali chứa 14 tỷ đồng vào nhà riêng cất giữ (tại khu đô thị Ciputra).

Về sau, Trịnh Xuân Thanh khai rằng: khi được Thắng chuyển cho cái vali, Thanh mang về mở ra thấy có tiền nhưng không đếm nên không biết bao nhiêu; vài ngày sau đã trả lại cho Thắng.

Lãnh đạo PVP Land chia nhau 30 tỷ đồng

Ngoài trả tiền hoa hồng cho Thắng và Thanh, thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình cũng chuyển 10 tỷ đồng cho Đào Duy Phong – Chủ tịch HĐQT PVP Land. Đồng thời Bình cũng chuyển cho Đặng Sỹ Hùng – Trưởng phòng Kinh tế PVP Land, 20 tỷ đồng.

Cụ thể, chiều ngày 13/4/2010, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy gọi điện báo Đào Duy Phong đến văn phòng của Duy tại B19 Khu Trung Hòa – Nhân Chính để nhận tiền. Sau đó, Duy đã đề nghị và Lê Hòa Bình đã chuyển 10 tỷ đồng (trong số tiền chênh lệch giá) cho Phong.

Sau khi nhận tiền, Đào Duy Phong đã đưa lái xe của mình là Trần Ngọc Long một túi vảo (bên trong có 2 tỷ đồng) để đưa cho Nguyễn Ngọc Sinh – Tổng giám đốc PVP Land. Long đã đưa 2 tỷ đồng này cho lái xe của Sinh là Trần Huy Hùng, Hùng đưa lại cho Sinh.

Đối với Đặng Sỹ Hùng, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã ký 5 tờ séc, rút 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh Phạm Hùng rồi giao cho lái xe của Công ty Minh Ngân mang cho Hùng. Đặng Sỹ Hùng đã dùng 12 tỷ đồng đưa cho vợ để gửi tiết kiệm. 8 tỷ đồng không rõ tiêu vào đâu.

Ngoài ra, trong thương vụ mua bán này, Lê Hòa Bình cũng đã phải chi cho Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 13 tỷ đồng tiền môi giới.

Tổng cộng lại, Lê Hòa Bình đã chi 62 tỷ đồng cho các cá nhân, trong đó Đặng Sỹ Hùng nhiều nhất (20 tỷ đồng), tiếp theo là Trịnh Xuân Thanh (14 tỷ đồng), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (13 tỷ đồng), Đào Duy Phong (8 tỷ đồng), Đinh Mạnh Thắng (5 tỷ đồng) và Nguyễn Ngọc Sinh (2 tỷ đồng).

Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với người dân tham gia dự án Thanh Hà – Cienco 5 (ngày 21/4/2010), Thái Kiều Hương đã yêu cầu Đinh Mạnh Thắng hoàn trả 5 tỷ đồng. Sau đó, Thắng đã yêu cầu Thanh trả lại 14 tỷ đồng cho Hương (Thắng đã đến gặp Thanh để nhận lại 14 tỷ đồng vào ngày 7/4/2010).

Ngoài Thanh và Thắng phải nộp lại tiền, các cá nhân khác cũng đã hoàn trả số tiền nhận từ Lê Hòa Bình, bao gồm: Đào Duy Phong nộp lại 10 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng nộp lại 12 tỷ đồng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy nộp lại 11 tỷ đồng.

Tất cả đều phạm tội Tham ô tài sản

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, đã thông đồng với các đối tượng liên quan, cùng đối tượng moi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy; có sự giúp sức của Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và Đinh Mạnh Thắng để ký kết hợp đồng và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp, tạo ra chênh lệch giá để chiếm đoạt 87 tỷ đồng của PVP Land (trong đó có tài sản của Nhà nước).

Giá trị tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỷ đồng (Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ, Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ, Đào Duy Phong 8 tỷ, Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ).

Cơ quan điều tra xác định các hành vi của Trịnh Xuân Thanh đã phạm vào tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò người chủ mưu, cầm đầu.

Nguyễn Ngọc Sinh phạm tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò người thừa hành tích cực.

Đào Duy Phong có các hành vi cấu thành tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò người thực hiện.

Thái Kiều Hương phạm tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò giúp sức tích cực.

Đối với Lê Hòa Bình, cơ quan điều tra xác định Bình phạm tội Tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự với vai trò giúp sức. Đây cũng là tội danh của Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Đinh Mạnh Thắng.

Riêng Đặng Sỹ Hùng đã chết nên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can.

Tin mới lên