Tài chính

Bản tin chứng khoán tuần 2-6/10: Tâm lý thận trọng dâng cao

(VNF) – Mặc dù thị trường chứng khoán đã hồi phục nhưng xu hướng nhìn chung vẫn khá lình xình và giằng co do tâm lý nhà đầu tư còn giao dịch thận trọng.

Bản tin chứng khoán tuần 2-6/10: Tâm lý thận trọng dâng cao

Ảnh minh họa

Kết thúc tuần giao dịch chứng khoán mở đầu tháng 10, VN-Index tăng 3,38 điểm lên mức 807,8 điểm tương ứng với mức tăng 0,42%, HNX-Index tăng 0,32 điểm lên mức 107,89 điểm, tương ứng với mức tăng 0,3%, UPCOM-Index giảm 0,29 điểm xuống 54,1 điểm tương ứng mức giảm 0,53%.

Thanh khoản trên cả hai sàn chứng khoán có sự sụt giảm khá mạnh. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 123,6 triệu đơn vị trên phiên, sụt giảm 12,94% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 46,6 triệu cổ phiếu trên phiên, sụt giảm 21,33%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 260,68 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 199.48 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 61.2 tỷ đồng.

Thống kê tuần qua trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và duy nhất 1 phiên mua ròng vào đầu tuần 2/10. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng hơn 7 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 199,47 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 9,15 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 222,14 tỷ dồng.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 30,41 triệu đơn vị, giá trị 1.228,39 tỷ đồng (giảm 31,78% về lượng và 19,37% về giá trị so với tuần trước đó) và bán ra 37,42 triệu đơn vị, giá trị 1.427,7 tỷ đồng (tăng nhẹ 5,61% về lượng và 9,72% về giá trị so với tuần trước).

Trên sàn HOSE, VIC là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần qua với khối lượng 1,93 triệu đơn vị, trương ứng tổng giá trị 99,81 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được mua ròng mạnh tiếp đó như DCM với 1,77 triệu đơn vị, giá trị 24,29 tỷ đồng, LDG với 1,01 triệu đơn vị, giá trị 15,14 tỷ đồng, NLG với 872.050 đơn vị, giá trị 23,02 tỷ đồng…

Ở chiều ngược lại, với phiên bán ròng kỷ lục ngày 5/10, CII đã trở thành cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua với khối lượng 7,48 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị lên tới 232,48 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí tiếp theo về khối lượng bán ròng là KBC với 1,43 triệu đơn vị, giá trị 20,11 tỷ đồng. Còn về giá trị, VCB và HSG đứng ở vị trí tiếp đó với lần lượt 37,84 tỷ đồng (960.340 đơn vị) và 27,07 tỷ đồng (949.370 đơn vị).

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần giao dịch với nhiều sóng gió khi các chỉ số thị trường đồng loạt giảm khá mạnh. Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu cổ phiếu blue-chip cùng tâm lý thận trọng tăng cao là nguyên nhân chính khiến áp lực bán ồ ạt lan tỏa trên khắp thị trường.

Sau hai phiên giảm điểm đầy tiêu cực đầu tuần, thị trường lấy lại sự cân bằng trong phiên giao dịch ngày 4/10. Sự hồi sinh đầy bất ngờ của nhóm cổ phiếu dẫn dắt là nhân tố quan trọng nâng đỡ thị trường. 

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, CTG, BID, MBB, STB, ACB… nổi bật nhất khi đồng loạt nổi sóng.

Dù hồi phục mạnh nhưng rủi ro trên thị trường chứng khoán vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm vì thanh khoản chỉ đạt phân nửa các phiên trước đó. Áp lực điều chỉnh đã nhanh chóng gia tăng trở lại ngay sau phiên giao dịch ngày 4/10. 

Việc VN-Index chạm ngưỡng 810 điểm đã thúc đẩy một làn sóng bán tháo ồ ạt và khiến các chỉ số thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm trở lại. Dù thanh khoản ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhưng bên bán đã chiếm ưu thế trở lại.

Phiên cuối tuần, khả năng đeo bám của bên bán khiến giao dịch thị trường liên tục gặp khó khăn. Sự thận trọng của giới đầu tư cũng duy trì ở mức cao và khiến thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại. Tuy vậy, sắc xanh vẫn hiện diện trên các chỉ số nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngân hàng với sự đồng thuận của VCB, BID, CTG, MBB…

Song song với tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong nước, khối ngoại cũng là một nhân tố tác động mạnh lên thị trường. Hoạt động bán ròng được đẩy mạnh và góp phần không nhỏ trong việc tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường. Điểm cần lưu ý, tuần giao dịch này cũng là tuần bán ròng thứ 5 liên tục của khối ngoại trên thị trường.

Cổ phiếu EMC của Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức là cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần này. Cụ thể, với 4 phiên tăng trần và chỉ duy nhất 1 phiên đứng giá vào giữa tuần 4/10, giá cổ phiếu EMC đã được kéo từ mức 18.150 đồng/cổ phiếu lên 23.750 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 30%.

Hiện công ty này vẫn chưa có công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017 đã thể hiện những con số khá khả quan. Trong đó, doanh thu bán ròng tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2016 lên 146,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1,42 tỷ đồng, tăng 84,42% so với cùng kỳ và hoàn thành 55,47% kế hoạch cả năm.

Cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 là KPF của Công ty Đầu tư tài chính Hoàng Minh đã có màn lội ngược dòng sau tuần giảm sâu trước đó, với mức tăng 19,83%.

Cổ phiếu SMA tăng 16,31% dù không có thông tin nào được đưa ra.

Ở chiều ngược lại, OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua khi liên tiếp giảm 5 phiên, trong đó có 3 phiên giảm sàn, với tổng mức giảm 20,23%.

Được biết, đầu tuần qua, OGC đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tâm giữ chức Tổng giám đốc sau 3 tháng để trống, thời hạn bổ nhiệm là 3 năm kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa giúp OGC thoát khỏi đà giảm sâu.

Về tình hình kinh doanh, sau khi chịu khoản lỗ kỷ lục năm 2014, tình hình kinh doanh của OGC vẫn chưa có tín hiệu phục hồi. Báo cáo 6 tháng 2017 cho thấy, OGC tiếp tục lỗ 275 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên mức 2.730 tỷ đồng. Và với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nguy cơ cổ phiếu OGC bị hủy niêm yết là rất lớn nếu Công ty cứ tiếp tục lỗ như 6 tháng đầu năm.

Cổ phiếu PTL giảm 19,62% có lẽ do nhà đầu tư chốt lời ở cổ phiếu này khi cổ phiếu đã tăng tới 80% trong vài tháng trở lại đây.

Như vậy, sau chuỗi dài suy yếu thanh khoản và đánh mất ngưỡng hỗ trợ 800 điểm thì lực cầu thị trường dường như đã có sự quay trở lại đối với nhóm vốn hóa lớn hồi phục về điểm số, gián tiếp tiết giảm áp lực cung ra của thị trường, dòng tiền dè dặt tích cực trở lại trên diện rộng. 

Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát thị trường để có hành động hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có thể tích lũy thêm những cổ phiếu triển vọng tích cực trong quý III và cả năm nay trong những phiên giảm điểm ở mức giá hấp dẫn hơn.

Tin mới lên