Tài chính

Bán vốn ở Điện lực Dầu khí: 'Nói ăn ngay được thì chưa'

Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ cho biết hiện nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan tâm tới Tổng công ty nhưng "nói ăn ngay được chưa thì chưa"...

Bán vốn ở Điện lực Dầu khí: 'Nói ăn ngay được thì chưa'

PV Power thoái vốn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn cùng ngành cũng dự kiến thoái vốn lớn.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết Bộ đã có quyết định xác định giá trị của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power). Theo quyết định, tại thời điểm 31/12/2015, Công ty mẹ PV Power có giá trị 60.623 tỷ đồng (2,67 tỷ USD). Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, PV Power phải thực hiện cổ phần hoá trong năm 2017. 

Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên PV Power cho biết, thời gian bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của PV Power lùi xuống tháng 10 -11/2017 thay vì tháng 8 như công bố trước đó. Nhà nước dự kiến sẽ thoái 49% vốn tại PV Power. Số lượng chào bán tại phiên IPO chiếm từ 4-5% vốn điều lệ. 

"Trước mắt Nhà nước sẽ bán 49% vốn tại PV Power, tiền thu về sẽ giúp Nhà nước tái đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, hạ tầng song theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTG ngày 28/12/2016 của Chính phủ, PV Power thuộc danh mục thoái vốn không giới hạn, tức Nhà nước sẽ bán vốn dưới mức chi phối tại đây", ông Kỳ nói. 

Hiện PV Power đang gấp rút hoàn thiện phương án cổ phần hoá để trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trình lên Bộ Công Thương, Thủ tướng phê duyệt. 

Ông Kỳ khẳng định, PV Power đã trải qua 10 năm qua phát triển, từ con số 0 đã trở thành nhà cung cấp điện lớn thứ hai tại Việt Nam. Đến 30/6/2017, tổng lợi nhuận của PV Power vượt 10.000 tỷ đồng. PV Power phát triển đa nguồn điện như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện. PV Power đang tiếp tục đầu tư 9 dự án điện khí có quy mô 750 -1.000MW, bao gồm cả các dự án đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ dựa trên Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

"PV Power được định giá 2,67 tỷ USD, 10 năm nữa PV Power sẽ có quy mô rất lớn khi 9 dự án điện khí mới và các nhà máy điện than đi vào hoạt động. Việc đầu tư, tiếp nhận các dự án, nhà máy theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng vẫn phải được Đại hội cổ đông thông qua, đảm bảo hiệu quả cho cổ đông. 

Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới doanh nghiệp nhưng "nói ăn ngay được chưa thì chưa". Họ đổ đồng vốn vào phải xem xét rất cẩn trọng. Phương châm của PV Power là "bán được giá càng cao càng tốt, để mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước", ông Kỳ nói.

PV Power cũng nhận định, phiên IPO của Tổng công ty diễn ra trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Oil, Genco 3… thực hiện bán vốn. Việc cổ phần hóa đồng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn cùng lúc làm cho việc tìm kiếm cổ đông chiến lược của PV Power không hề dễ dàng. 

Tiêu chí chọn cổ đông chiến lược của PV Power là có năng lực tài chính, hỗ trợ về quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đầu tư dự án mới của Tổng công ty. 

Vừa qua PV Power đã tổ chức một số roadshow tại Nhật Bản, Singapore… và đã nhận được sự quan tâm từ hơn 100 đơn vị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu... Song quá trình tìm hiểu, sàng lọc, hiện còn khoảng 20 nhà đầu tư có tiềm năng. 

Tổng Công ty đang xin phép chọn cổ đông chiến lược trước khi IPO. Trong trường hợp không bán hết, tổng công ty vẫn chuyển đổi sang mô hình cổ phần hoá, sau đó thực hiện theo quy trình thoái vốn, niêm yết trên sàn, đấu giá công khai, mua bán thoả thuận… theo đúng quy định của Nhà nước.

Tin mới lên