Tài chính tiêu dùng

Bancassurance: Các công ty bảo hiểm được và mất gì?

(VNF) - Mặc dù doanh thu qua kênh Bancassurance tăng mạnh (tăng 30% trong năm 2017) và tỷ trọng của kênh này trong doanh thu phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm tăng từ 5% năm 2012 lên xấp xỉ 10% năm 2017 nhưng khả năng sinh lời rất thấp, thậm chí lỗ.

Bancassurance: Các công ty bảo hiểm được và mất gì?

Mô hình bancassurance đối với các công ty bảo hiểm không phải toàn màu hồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra báo cáo nhận định về hình thức hợp tác Ngân hàng – Bảo hiểm (bancassurance).

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cuối năm 2017, quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện còn nhỏ (tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2017 là 105.611 tỷ đồng, tương đương 4,64 tỷ USD) nhưng số lượng công ty trong ngành lên đến 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, cùng với 14 công ty môi giới bảo hiểm và 2 công ty tái bảo hiểm. Do đó, tình trạng cạnh tranh trong ngành bảo hiểm Việt Nam hiện rất gay gắt.

Theo VDSC, chính cuộc chiến khốc liệt giành thị phần đã thúc đẩy các công ty bảo hiểm mở rộng kênh bancassurance trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh các hợp đồng phân phối thông thường, nhiều công ty bảo hiểm và ngân hàng đã ký hẳn các hợp đồng phân phối độc quyền với thời hạn khá dài. Điển hình là các thương vụ hợp tác giữa Prudential và VIB (15 năm), Chubb Life Vietnam và VietABank (10 năm), Dai-ichi Life và Sacombank (20 năm), Manulife và Techcombank (15 năm), AIA và VPBank (15 năm).

Vietcombank cũng đang thông qua Credit Suisse tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm trên toàn hệ thống của ngân hàng này. Hợp đồng dự kiến có thời hạn ít nhất 10 năm và giá trị 1 tỷ USD.

VDSC phân tích, đối với các ngân hàng, danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng tăng thêm nhưng không đòi hỏi vốn đầu tư thêm và mức độ rủi ro chung không đổi so với khi ngân hàng triển khai thêm một sản phẩm tín dụng mới. Các sản phẩm bảo hiểm được bán đồng thời với cho vay còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mất vốn nhờ được các công ty bảo hiểm chi trả trong trường hợp người vay chết hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

Ngoài ra, việc phát triển kênh bancassurance cũng giúp các ngân hàng gia tăng nguồn thu nhập từ dịch vụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, góp phần ổn định thu nhập cho ngân hàng trong những thời kỳ cho vay khó khăn.

Thực tế cho thấy nguồn thu từ bancassurance từ các khoản phí hoa hồng đại lý (được ghi nhận trong Thu nhập từ dịch vụ ủy thác và đại lý) do các công ty bảo hiểm chi trả đang đóng góp ngày càng đáng kể vào thu nhập dịch vụ của các ngân hàng. Đơn cử, năm 2017, nhiều ngân hàng báo lãi đậm từ kinh doanh bancassurance.

Các công ty bảo hiểm được và mất gì?

Ngoài việc tận dụng được mạng lưới phân phối của ngân hàng, các công ty bảo hiểm còn được tiếp cận nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ của ngân hàng cho hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng và cho hoạt động quản trị rủi ro. Tuy nhiên, theo VDSC, mô hình bancassurance đối với các công ty bảo hiểm không phải toàn màu hồng.

“Dù không có thống kê chính thức nhưng thông qua trao đổi với các công ty bảo hiểm, có tình trạng các công ty bảo hiểm thường lách luật chi hoa hồng vượt mức cho các ngân hàng cao hơn mức quy định 20% thông qua nhiều hình thức phí khác nhau”, VDSC dẫn chứng và lý giải điều này là do cạnh tranh gay gắt, đồng thời do tỷ lệ bồi thường qua kênh bancassurance rất thấp, thường dưới 1%.

Hậu quả là mặc dù doanh thu qua kênh này tăng mạnh (tăng 30% trong năm 2017) và tỷ trọng của kênh này trong doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 5% năm 2012 lên xấp xỉ 10% năm 2017 nhưng khả năng sinh lời rất thấp hoặc lỗ.

Do phí upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) là chi phí trả trước nên bị loại trừ toàn bộ khỏi giá trị tài sản khi tính biên khả năng thanh toán. Điều này, theo VDSC, sẽ gây áp lực tăng vốn lớn lên các công ty bảo hiểm.

Thêm vào đó, theo thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng, mọi đối tượng bảo hiểm liên quan đến dịch vụ của ngân hàng đều được phân loại vào nhóm khách hàng bancassurance.

Hệ quả là khi thỏa thuận được ký kết, các khách hàng của kênh đại lý đang sử dụng các sản phẩm tín dụng của ngân hàng bỗng nhiên trở thành khách hàng của kênh bancassurance. Theo đó, toàn bộ công sức, thời gian và chi phí mà các đại lý đã bỏ ra để chăm sóc, duy trì mối quan hệ với khách hàng trước đó lại trở nên vô ích.

“Việc này đã làm nhiều đại lý bảo hiểm trở nên chán nản và muốn bỏ nghề vì thu nhập bị giảm sút”, VDSC cho hay.

Tin mới lên