Nhân vật

‘Banker’ Nguyễn Văn Thắng và dấu ấn chính trường

(VNF) - Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank vừa nhận nhiệm vụ mới tại Quảng Ninh với cương vị Phó Chủ tịch tỉnh. Quyết định luân chuyển này tiếp nối những bước đi trên chính trường từ đầu năm 2016, khi ông Thắng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng và sau đó là đại biểu quốc hội của đoàn TP. Hà Nội.

‘Banker’ Nguyễn Văn Thắng và dấu ấn chính trường

Ông Nguyễn Văn Thắng, tân Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank.

Đọc vị lý lịch

Lý lịch của tân Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh toát lên nghị lực và chí hướng đáng nể phục.

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh ra trong một gia đình “nông dân chính gốc” tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Trong số 7 anh chị của ông có 2 người là công nhân nghỉ mất sức, 2 người khác cũng làm công nhân và 3 người làm nghề nghiệp tự do.

Tốt nghiệp hệ cao đẳng của Học viện Ngân hàng năm 1995 khi 22 tuổi, ông Thắng vẫn miệt mài lấy bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành Tiếng Anh) và cử nhân Đại học Kế toán – Tài chính (chuyên ngành Tài chính – Tín dụng).

Ông Thắng tiếp tục học lên Thạc sỹ tại Học viện Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính lưu thông tiền tệ) rồi Tiến sỹ tại Học viện Tài chính.

Vào làm việc tại VietinBank với vị trí cán bộ kinh doanh đối ngoại của chi nhánh Ba Đình năm 1996, ông Thắng trở thành Thư ký Tổng giám đốc VietinBank chỉ 4 năm sau đó. Chưa đến 3 năm sau, ông kiêm thêm chức vụ Phó Chánh văn phòng VietinBank.

Ông Thắng giữ cương vị Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp lớn của VietinBank trong giai đoạn 2006 – 2009. Sau khi luân chuyển về làm Giám đốc VietinBank chi nhánh Hà Nội, ông Thắng trở thành Tổng giám đốc VietinBank năm 2011 và Chủ tịch VietinBank năm 2014.

VietinBank là “ngôi nhà” có ý nghĩa đặc biệt với tân Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, là nơi lập chí, lập nghiệp và lập… gia đình của ông, với người vợ là đồng nghiệp tại VietinBank.

Dấu ấn chính trường

Trên diễn đàn Quốc hội, ông Thắng từng gây chú ý tại phiên thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu hồi tháng 6/2017 với phát biểu: “Trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%, do vậy vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng”.

Câu nói 90% nợ xấu là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, khiến ông Thắng chịu không ít chỉ trích từ dư luận.

Nhiều chuyên gia nhận định phát biểu này bị nhầm lẫn trong quan hệ đi vay – cho vay. Một cách ước lượng, có thể nói 90% tiền ngân hàng đi vay của dân, còn 10% là vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu là xuất phát từ cho vay, tức là ngân hàng đi vay của dân nhưng cho vay kém hiệu quả, gây nợ xấu thì đây là trách nhiệm của ngân hàng.

Trái lại, không ít người lại cho rằng hàm ý của ông Thắng là muốn Quốc hội tạo thuận lợi hơn nữa cho xử lý nợ xấu để giảm thiểu thiệt hại cho ngân hàng và đặc biệt là người dân, bởi 90% tiền của ngân hàng là đến từ người dân. Nếu ngân hàng đổ vỡ thì người dân chịu thiệt phần lớn.

Trước ngày chính thức về Quảng Ninh – nơi sở hữu đặc khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thắng cũng đã có bài phát biểu trước Quốc hội góp ý về Luật đặc khu hôm 23/5/2018.

“Tôi đề nghị bổ sung 3 lĩnh vực vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy hoạch cho cả 3 đặc khu, trong đó có 2 lĩnh vực liên quan đến nguồn lực rất quan trọng mà đặc khu nào cũng cần phải có mới đảm bảo yếu tố thành công”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng nói trước diễn đàn Quốc hội.

Dưới góc nhìn của người gắn bó hơn 20 năm với ngành ngân hàng, ông Thắng cho rằng khi triển khai 3 đặc khu, đất nước phải dành một nguồn lực rất lớn để triển khai và trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn thì việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó quan trọng nhất là đến từ ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực có yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi họ tham gia đầu tư vào đặc khu.

Theo ông Thắng, hầu hết các đặc khu trên thế giới đều dành những điều kiện ưu đãi và quy hoạch những vị trí trung tâm dành cho các ngân hàng, các định chế tài chính.

“Do vậy, tôi đề xuất đưa lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch xây dựng khu tài chính, ngân hàng cho cả 3 đặc khu”, đại biểu doanh nhân Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Thứ hai, ông Thắng đề xuất đưa lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề vào danh mục ngành nghề ưu tiên cho cả ba đặc khu. Cùng với đó là khuyến khích phát triển y tế, xây dựng kinh doanh bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo ông Thắng, việc triển khai đặc khu kinh tế “phải vừa mạnh dạn, vừa thận trọng nhưng không quá cầu toàn để không làm chậm các cơ hội thu hút đầu tư”.

Về nơi những người “đàn anh” từng luân chuyển đến như ông Phạm Minh Chính với dấu ấn thí điểm nhất thể hóa một số chức danh trong đảng với chính quyền (Đề án 25), hay trước đó là ông Vũ Đức Đam với dấu ấn ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ, ông Nguyễn Văn Thắng sẽ ghi dấu ấn gì ở Quảng Ninh?

Tin mới lên