Tài chính

Báo động tình trạng chưa mở thầu đã biết trúng thầu bảo hiểm

(VNF) - Liên tiếp bị "gài bài", cản trở đấu thầu trong các gói thầu bảo hiểm, buộc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (DNBH) "tâm thư" đề nghị chủ đầu tư làm rõ nghi vấn.

Báo động tình trạng chưa mở thầu đã biết trúng thầu bảo hiểm

Cản mua hồ sơ thầu

"Chiêu" cản thầu là cản mua hồ sơ mời thầu, với vô vàn các lý do, nhưchưa chuẩn bị xong hồ sơ mời thầu (do thiếu chữ ký của lãnh đạo, đang chờ in hồ sơ), người bán hồ sơ đi vắng, đi… nghỉ mát, hoặc với lý do khá nực cười như đang bận ngày kỷ niệm công ty, thành lập ngành!

Mới đây nhất, ngày 12/8/2016, người viết đã nhận được phản ánh của 2 nhà thầu là doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH, xin được giấu tên) kêu bị cản thầu khi mua hồ sơ thầu bảo hiểm công trình thuộc gói thầu TV.17 do Công ty cổ phần (CTCP) Thủy điện Hòa Thuận (công ty con của CTCP xây dựng công trình 568) làm chủ đầu tư.

Một DNBH cho biết theo đúng thông báo của bên mời thầu đăng trên báo chí ngày 1/8, chuyên viên phụ trách đấu thầu của DN này đã đến văn phòng đại diện của Công ty cổ phần Thủy điện Hòa Thuận (bên mời thầu) tại Hà Nội (số 6, ngõ 126 Đốc Ngữ, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) lần thứ 5 nhưng vẫn chưa mua được hồ sơ thầu. Còn DN khác thì phản ánh đến 3 lần vẫn chưa mua được.

Chưa mua được vì sao, lý do duy nhất được bên mời thầu, cũng là chủ đầu tư mang ra giải thích với nhà thầu là do hồ sơ thầu "chưa lấy được chữ ký của giám đốc" nên chưa thể bán được.

"Mở bán hồ sơ thầu từ mùng 5/8 nhưng đến ngày 9/8 dù đã đến 5 lần đều trong giờ hành chính nhưng chúng tôi vẫn chưa mua được và lần nào cũng vậy, một lý do duy nhất đó là người phụ trách - Giám đốc CTCP Thủy điện Hòa Thuận đi vắng nên chưa chuẩn bị xong hồ sơ, hẹn hôm khác đến. Lẽ ra, vào ngày mở bán hồ sơ thì hồ sơ mời thầu phải hoàn tất, chứ không thể để nhà thầu đến 5 lần 7 lượt mãi thế này được, gây lãng phí thời gian, chi phí không cần thiết cũng như ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư", đại diện của nhà thầu đến 5 lần vẫn chưa mua được cho biết.

"Chúng tôi phản đối cách làm việc thiếu trách nhiệm này. Nếu chưa hoàn tất hồ sơ thì vội thông báo bán hồ sơ thầu làm gì, gây mất công cho nhà thầu?", đại diện nhà thầu đã đến lần thứ 3 mà chưa mua được than.

Chủ đầu tư là Bệnh viên Bạch Mai cũng bị "kêu"để xẩy ra cảnh tương tự khi phát hành hồ sơ mời thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sĩ vào tháng 7 vừa qua, lý do lần này là người bán hồ sơ đi vắng,  chưa kịp in đủ số hồ sơ cần bán. Phía Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thừa nhận thiếu sót này.

Sau khi nhận được phản ánh từ 2 DNBH trên (vào ngày 12/8/2016), người viết cũng đã liên lạc với Trưởng Văn phòng đại diện của CTCP Thủy điện Hòa Thuận tại Hà Nội là ông Phạm Quang Huy. Vị này cũng thừa nhận và hứa "sẽ rút kinh nghiệm".

Chưa mở thầu đã biết trúng thầu bảo hiểm

Sau khi nhận được phản ánh từ phía nhà thầu cũng như sự vào cuộc của báo chí, các nhà thầu cuối cùng cũng mua được hồ sơ. Tuy nhiên, nghi ngờ cản thầu còn bị đẩy lên cao khi tại hồ sơ mời thầu các chủ đầu tư đã không quên "mớm" thêm 1 số điều kiện liên quan đến năng lực kỹ thuật haynăng lựctài chính, theo từng trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn như khống chế tốc độ tăng trưởng hay số năm hoạt động, tỷ lệ phí bảo hiểm giữ lại/doanh thu phí bảo hiểm gốc để loại bỏ gần hết nhà thầu nhỏ, trái với tinh thần bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu của pháp luật hiện hành, đồng thời "trải thảm đỏ" cho chỉ 1 nhà thầu, chả khác nào "chưa mở thầu đã biết trúng thầu bảo hiểm".

Sau khi nghiên hồ sơ, các nhà thầu còn lại cũng nhanh chóng "đọc vị" được nhà thầu được "ưu ái" dẫn đến nghi ngờ, phản ứng mạnh mẽ.

Ngay với hồ sơ thầu do CTCP Thủy điện Hòa Thuận làm chủ đầu tư, các nhà thầu phát hiện ra một yếu tố gây cản trở trong hoạt động đấu thầu, để "ưu ái" 1 DNBH cụ thể. Đó là điểm 3.4 trong hồ sơ thầu quy định về tiêu chí năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu bảo hiểm, phía mời thầu đã đưa ra yêu cầu tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ bình quân trong các năm 2013, 2014 và 2015 phải đạt tối thiểu 60% tổng phí bảo hiểm gốc.

Tại hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh, thuộc gói thầu số 20 về bảo hiểm công trình cho dự án đầu tư di dời nhà máy Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) tới địa diểm xây dựng mới là Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), được phát ngày 23/6/2016, đóng thầu lúc 13 giờ ngày 1/7/2016 và mở thầu lúc 13 giờ 30 cùng ngày, nhà thầu là DNBH cũng nghi ngờ bị chủ đầu tư cản trở.

Ngày 28/6, DNBH đã có công văn gửi Thuốc lá Thăng Long yêu cầu làm rõ và điều chỉnh tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu của gói thầu trên về chọn nhà thầu bảo hiểm công trình. Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đưa ra 3 tiêu chí: số năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tối thiểu 15 năm; quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm 31/12/2015 đạt trên 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bảo hiểm phi nhân thọ 3 năm từ 2013-2015 tối thiểu 60% tổng phí bảo hiểm gốc.

Dựa trên số liệu tài chính của các DNBH trên thị trường Việt Nam, nếu áp dụng cả 3 tiêu chí trên, chỉ có khoảng 2 đơn vị đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, các tiêu chí đưa ra đã loại bỏ hầu hết DNBH khác, trái với tinh thần đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu của Luật Đấu thầu.

Hay tại hồ sơ thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai kể trên, với các chỉ tiêu ROA tại thời điểm 31/12//2015 phải đạt tối thiểu 4% và doanh thu bảo hiểm năm 2015 phải tăng trưởng tối thiểu 50%, các nhà thầu cũng cho rằng đây đều là các chỉ tiêu không đánh giá hết năng lực nhà thầu, cũng như không phù hợp với thực tế thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện tại

3 trường hợp cản thầu trên chỉ là những điển hình gần đây nhất trong vô số các vụ cản thầu bảo hiểm thời gian qua và phản ứng tức thì của nhà thầu đó là đề xuất bên mời thầu loại bỏ các tiêu chí gây cản.

Và tất nhiên, chủ đầu tư thì ra sức phủ nhận không có chuyện ưu ái. Đó là chuyện thường xảy ra. Cả 3 nhà thầu trên cũng không ngoại lệ. Trong đó, mặc dù ra sức phủ nhận nhưng trước phản ứng mạnh mẽ của một số nhà thầu là DNBH đối với hồ sơ mời thầu bảo hiểm trách nhiệm bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này đã có công văn gia hạn thời gian đóng, mở thầu và sửa hồ sơ mời thầu.

Nhưng việc 1 nhà thầu được "ưu ái" có trong danh sách mua được và sau đó "bỗng dưng" trúng thầu tại nhiều gói thầu bảo hiểm gần đây (dù không bỏ phí thấp nhất, không phải nhà thầu lớn…) đang khiến mối nghi ngại về yếu tố cạnh tranh, công khai, minh bạch, chất lượng trong đấu thầu càng bị đẩy lên cao.

Và một hệ lụy tất yếu, nếu tiếp tục kiểu cạnh tranh như vậy, năng lực của doanh nghiệp sẽ suy yếu bởi nguồn gốc sâu xa của vấn đề này vẫn là tình trạng DNBH tìm mọi cách để thắng thầu, chấp nhận mức giá bỏ thầu thấp nhất.

Thậm chí, không loại trừ DNBH "đi đêm" với chủ đầu tư/nhà tư vấn gói thầu, thông qua việc làm việc trực tiếp hoặc tận dụng mối quan hệ từ trên ép xuống để chủ đầu tư đưa vào hồ sơ thầu các tiêu chí có lợi cho mình nhất; cản trở sự tham gia của các nhà thầu khác.

Chưa kể, mải đua cạnh tranh, các nhà thầu đua nhau bỏ giá quá thấp, hệ lụy tất yếu là khó hòa vốn, khó lo bồi thường, bởi thực tế trong một số vụ tổn thất, chi phí giám định đã lên tới cả trăm triệu đồng, dẫn đến phí đóng bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí giám định, khiến các DNBH tự hủy hoại lẫn nhau, "tàn phá" môi trường kinh doanh tại lĩnh vực này.

Còn nhà thầu "chưa mở thầu đã cầm chắc trúng thầu" kia cũng không khá hơn nếu bỏ phí quá thấp, chưa kể là phải cộng thêm các chi phí khác thuộc diện "đi đêm". Vấn nạn trên đang khiến cơ quan quản lý, lãnh đạo các DNBH phi nhân thọ không khỏi đau đầu và cần sớm tháo gỡ.

Tin mới lên