Ngân hàng

‘Bảo vệ quyền lợi của TCTD cũng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền’

(VNF) - "Với đặc thù các TCTD là trung gian tài chính thì nguồn vốn cấp tín dụng của các TCTD chủ yếu là nguồn huy động từ người dân, cho nên khi bảo vệ quyền lợi của chủ nợ cũng có nghĩa là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu quan điểm.

‘Bảo vệ quyền lợi của TCTD cũng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền’

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức buổi họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tăng trưởng tín dụng tính đến hết ngày 25/5 đã đạt 6,53%.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cơ cấu tín dụng chủ yếu tập trung vào các hoạt động ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng bất động sản tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài thông tin đáng chú ý về tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến Nghị quyết xử lý nợ xấu đang xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

"Trong các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đặt ra các nhiệm vụ cho ngành ngân hàng là phải xử lý nợ xấu triệt để, tránh nợ xấu mới phát sinh", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Phó Thống đốc cũng thông tin, phạm vi nợ xấu theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là bao gồm các khoản nợ xấu tính đến hết ngày 31/12/2016 và nợ xấu phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết Quốc hội. Thời hạn hiệu lực của Nghị quyết theo dự kiến là 5 năm.

Điểm thứ hai trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội, theo Phó Thống đốc, rất quan trọng, là về hệ thống để hình thành thị trường mua bán nợ.

"Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy là để xử lý nợ xấu hiệu quả thì cần phát triển thị trường mua bán nợ", Phó Thống đốc cho hay.

Vị lãnh đạo NHNN cũng chỉ ra một loạt các quy định mới tại dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu liên quan đến thị trường mua bán nợ, như cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD), VAMC bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ theo giá thị trường, kể cả thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ; cho phép VAMC mua nợ xấu kể cả nội bảng và kể cả ngoại bảng cho phép VAMC chuyển đổi các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang các khoản nợ xấu theo giá thị trường.

Đồng thời, cho phép VAMC được bán nợ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng, có TSBĐ sẽ được quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất và đặc biệt là được phép chuyển nhượng theo quyền và nghĩa vụ đã quy định.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là các TCTD.

"Với đặc thù các TCTD là trung gian tài chính thì nguồn vốn cấp tín dụng của các TCTD chủ yếu là nguồn huy động từ người dân, cho nên khi bảo vệ quyền lợi của chủ nợ cũng có nghĩa là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền", Phó Thống đốc nêu quan điểm.

Một số quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của chủ nợ nằm trong nội dung Nghị quyết có thể kể đến như quyền thu giữ TSBĐ, điều kiện chuyển nhượng TSBĐ là các dự án bất động sản, các TSBĐ đang bị thi hành án theo quy định của Bộ luật Dân sự thì không bị kê biên…

Tin mới lên