Bất động sản

Bất động sản cao cấp: ‘Doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc’

(VNF) - Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoRea), trước làn sóng đầu tư bất động sản cao cấp.

Bất động sản cao cấp: ‘Doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc’

Đổ xô làm bất động sản cao cấp, doanh nghiệp sẽ hứng chịu rủi ro khủng hoảng

Nối tiếp sự phát triển ấn tượng trong năm 2015, thị trường bất động sản năm 2016 tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng khá, biểu hiện qua một loạt chỉ số như: nguồn cung căn hộ dồi dào, giá cả tăng, giao dịch ổn định và dòng tín dụng tốt…

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường năm nay được nhiều chuyên gia thừa nhận đó là sự quay trở lại mạnh mẽ của phân khúc cao cấp trên cả ba miền. 

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến năm, hàng loạt "bom tấn" nối nhau ra đời. Đặc biệt trong tháng 7, một loạt siêu dự án được các chủ đầu tư đua nhau chào bán gây rúng động thị trường như Vinhomes Metropolis của Vingroup, D’. Palais De Louis của Tân Hoàng Minh, Hanoi Aqual Central của Đồng Lực, Sun Grand City của Sungroup...

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường căn hộ cao cấp cũng hết sức sôi động với thông tin 6 "ông lớn" đang chia nhau miếng bánh Thủ Thiêm với các dự án tỷ USD như dự án Empire của Liên doanh Keepel land –Tiến Phước – Gaw Capital Partners (1,2 tỷ USD), Ecosmart City của Tập đoàn Lotte (2,2 tỷ USD), siêu dự án 4,4 tỷ USD của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, siêu dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (quận 7, TP.HCM) trị giá 6 tỷ USD của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, việc các chủ đầu tư đua nhau làm bất động sản cao cấp là do kinh tế trong nước đang dần ổn định, tỷ lệ lạm phát giảm, kéo theo sự khởi sắc của thị trường. Ngoài ra niềm tin của khách hàng quay trở lại nhờ chính sách ưu đãi của chủ đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoRea cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp lao vào bất động sản cao cấp là vì phân khúc này có tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn các phân khúc giá rẻ và trung bình. Đồng thời, doanh nghiệp làm cao cấp thì dễ đánh bóng tên tuổi hơn.

Tuy nhiên, ông Châu nhìn nhận nhu cầu dự án cao cấp của thị trường có hạn, do đó càng nhiều doanh nghiệp đổ xô vào làm thì mức độ cạnh tranh càng lên cao, đến một mức độ nào đó thì dẫn tới khủng hoảng.

"Thực tế điều đó đã xảy ra năm 2007, khi bất động sản cao cấp nở rộ và bong bóng đạt tới đỉnh cao. Hậu quả là thị trường bị đóng băng 5 năm sau đó dẫn đến Chính phủ phải dùng gói 30.000 tỷ để giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho.

Các doanh nghiệp rõ ràng biết rõ điều đó nhưng khi thị trường phục hồi lại từ năm 2013, họ vẫn tiếp tục lao vào phân khúc cao cấp, vì hai mục tiêu là lợi nhuận và đánh bóng thương hiệu.

Nhưng thị trường sẽ vẫn tiếp tục phán quyết. Thị trường cho thấy rằng làm bất động sản cao cấp thì phải có sự khác biệt, có sự độc đáo. Với nhu cầu không quá lớn, sự lựa chọn là rất nghiệt ngã. Các doanh nghiệp rồi đây sẽ phải tái cấu trúc lại đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, và phải quay trở lại chân lý: muốn thị trường phát triển lành mạnh thì phải giải quyết nhà ở cho số đông, tức là nhà ở hợp túi tiền", ông Châu nhấn mạnh.

Mới đây, trong buổi làm việc với Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã cảnh báo nguy cơ dư thừa bất động sản cao cấp. Theo Bộ trưởng, nhiều khả năng cuối năm 2016 hoặc giữa năm 2017, phân khúc cao cấp sẽ đạt đến độ bão hòa hoặc dư thừa.

Tin mới lên