Tài chính

‘Bắt mạch’ vốn ngoại

(VNF) – Việc khối ngoại liên tục bán ròng trong nửa cuối năm 2016 không chỉ có nguyên nhân đến từ xu thuế dòng tiền đầu tư quốc tế tìm nơi trú ẩn tại các tài sản an toàn, mà còn có nguyên nhân gốc rễ từ những hạn chế trong thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam.

‘Bắt mạch’ vốn ngoại

Khả năng thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng

Một trong những chỉ báo rất đáng chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 là việc khối ngoại đã bán ròng khoảng 240 triệu USD cổ phiếu niêm yết từ đầu năm tới nay. Điều này không chỉ bắt nguồn từ xu thế dòng tiền đầu tư quốc tế tìm nơi trú ẩn tại các tài sản an toàn (khối ngoại đã mua ròng xấp xỉ 540 triệu USD trái phiếu chính phủ và TPCP bảo lãnh của Việt Nam trong năm 2016), mà còn có nguyên nhân gốc rễ từ những hạn chế trong thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), thị trường chứng khoán ít nhận được phân bổ vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do Việt Nam chỉ được coi là thị trường chứng khoán cận biên, chưa đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI30, trong đó có tiêu chí mức độ tự do trên thị trường ngoại hối.

Cũng theo nhận định của UBGSTCQG, mức độ tự do hóa tài khoản vốn của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Singapore và khả năng chuyển đổi thấp của Đồng Việt Nam cũng ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán và khả năng hội nhập tài chính khu vực ASEAN.

Bắt mạch vốn ngoại

Khả năng thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều hạn chế

Không chỉ có vậy, UBGSTCQG còn chỉ ra 3 nguyên nhân cực kỳ quan trọng khiến sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư nước ngoài chưa cao. Đầu tiên là sản phẩm chứng khoán chưa đa dạng nên phần nào ảnh hưởng đến việc thu hút vốn vào thị trường chứng khoán. Đến nay vẫn chưa có những sản phẩm phái sinh phổ biến như: cho vay chứng khoán, bán khống, quyền chọn mua, quyền chọn bán chứng khoán, hợp đồng tương lai.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở hạn chế ở thị trường trái phiếu. Theo UBGSTCQG, thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển làm hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, đồng thời dẫn đến sự chậm ra đời của thị trường mua bán nợ. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ xấp xỉ 4% GDP, thanh khoản rất thấp, chưa có tổ chức định mức tín nhiệm. Việc chưa có thị trường mua bán nợ dẫn đến khó khăn trong việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu và hình thành thị trường mua bán nợ xấu.

Nguyên nhân thứ ba được nhắc đến là tỷ lệ vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa vẫn trên 50%, làm giảm mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, là rào cản đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn, tỷ lệ cổ phần chào bán ra công chúng trung bình dưới 30%.

Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán và đổ tiền vào trái phiếu chính phủ không phải không có lợi ích. Điển hình nhất là việc lãi suất huy động vốn trên thị trường quốc tế thông qua trái phiếu chính phủ liên tục duy trì ở mức thấp trong năm 2016, đồng thời, kỳ hạn phát hành trái phiếu cũng tăng lên đáng kể so với năm 2015

Tin mới lên